Trắng Xóa

Nữ ca sĩ Cúc Phương và nhà kinh doanh Trần Vĩnh Phúc đi với nhau như một đôi đũa lệch. Vợ trông có da có thịt, cao hơn người thường. Chồng thì xương xẩu thấp lùn, cứ phải ngước mặt lên trời khi nhìn vợ. Không hiểu sao cô nàng da trắng mịn đến độ ai cũng muốn sờ vào một chút. Thật tương phản với cái vỏ vừa xám vừa khô của Trần Vĩnh Phúc. Cũng may, hắn biết phận mình. Ai có gặp Cúc Phương phải nhìn về đằng sau nàng hơn một thước mới tìm được bóng phu quân. Nếu thực sự nghĩ tới nhân vật không cần thiết này. Cô ca sĩ đi đâu cũng trưng ra một nụ cười thừa thãi. Nhà kinh doanh lầm lì như một góc trời u ám báo hiệu một cơn mưa.

Nói Cúc Phương đẹp thì quá đáng. Đồng ý, thân hình nàng làm như chỉ muốn dẫn con mắt đàn ông đến những chỗ da ở trần. Không để những con mắt này lân la ở những nét đều đặn của khuôn mặt hay vùng mượt mà của mái tóc dài. Phần của khoa học thẩm mỹ ở đây gồm có bộ ngực ngạo nghễ, cái mũi Tây phương và hai lúm đồng tiền trên má. Nhưng vẫn có gì thiếu thanh nhã, hơi thô ở nàng. Có lẽ là vẻ mặt ngơ ngác, không thể gọi là thông minh nhanh nhẹn. Hay điệu bộ vụng về, dáng đi không thướt tha. Cách trang điểm quá nặng, mùi nước hoa rẻ tiền và những kiểu quần áo cầu kỳ còn gây khó chịu. Dù sao đi nữa, cái đẹp nếu có cũng tan biến khi người ta thử nói chuyện với Cúc Phương. Có ai còn biết nói gì với nàng sau vài ba câu trao đổi? Khổ nhất là phải chịu đựng những chuỗi cười lớn của nàng. Tiếng cười bất ngờ, nhạt thếch, chẳng vui chút nào. Ở người đàn bà này không có gì là tự nhiên. Mọi cử chỉ lời nói đều tìm kiếm sự chú ý của người chung quanh. Có cảm tưởng như lúc nào nàng cũng cần có khán giả chiêm ngưỡng mình. Nữ ca sĩ Cúc Phương có vài khía cạnh hấp dẫn thật. Nhưng ở nàng thiếu vắng một nét duyên.

Nhìn Trần Vĩnh Phúc thì làm sao có được cảm tình? Chỉ cần để ý đến đôi mắt hắn. Đôi mắt luôn luôn trốn tránh người đối diện, lấm lét nhìn trước nhìn sau như sợ điều ám hại. Khi hắn mở mồm ra nói chuyện, đôi mắt nhắm nghiền lại, đôi môi chu về phía trước, những câu nói vướng víu nhau, xiêu vẹo vì thiếu thẳng thắn. Khỏi tả những lúc, dưới viền râu lún phún, cặp môi mỏng dính và thâm xì méo mó một nụ cười nịnh bợ. Hắn ngồi đâu một lúc là bắt đầu rung đùi bần bật. Người ta rung đùi khi sung sướng, không ai như hắn, rung vô cớ từ một tâm trạng bất an thường trực. Trần Vĩnh Phúc còn có tật xỉa răng suốt ngày. Cái bàn tay che dấu góc miệng chỉ càng làm chú ý đến những lục lọi của que tăm. Thịt rau dính ở khe răng tất nhiên nằm trong tưởng tượng của hắn. Một nhà tâm lý học sẽ giải thích cái ám ảnh về vệ sinh ở đây bằng một mặc cảm đầu óc không trong sạch, có từ một tuổi thơ nhiều thiếu thốn. Đã vậy, hắn còn chọn mặc những áo vét xanh đỏ lòe loẹt, không làm quên được nước da đen đủi của hắn. Tất cả ở Trần Vĩnh Phúc như có gì giả dối và sợ sệt. Hiếm có trường hợp một hình tướng lại để lộ rõ như vậy cái thấp hèn của một con người.

*

Cúc Phương không thuộc vào những giọng ca nổi tiếng ở Mỹ hay Pháp. Nàng sẽ không bao giờ được chọn cho những băng vidéo bán chạy nhất, đang từ Paris và California tràn ngập về trong nước. Trần Vĩnh Phúc đã có lần lỗ vốn khi đưa vợ từ băng nhựa lên CD. Chỗ hành nghề của Cúc Phương chỉ có cái phòng trà Việt Nam nằm ở ngoại ô Paris. Những lúc nó không bị đóng cửa vì một trận ẩu đả hay một lần gian thuế. Ngoài ra, một năm được hai ba đại nhạc hội, một vài dạ vũ của các hội cựu học sinh hay đồng hương, và những đám cưới trước hè. Thỉnh thoảng lắm mới được một nhà hàng Tàu sang trọng. Thu nhập của ông chồng kinh doanh thất thường khiến Cúc Phương phải có thêm ở nhà nghề sửa quần áo, và nhận làm chả giò bánh cuốn suốt năm.

Vậy mà mỗi khi nữ ca sĩ Cúc Phương bước vào tiếng nhạc, nàng cứ tưởng cả vũ trụ đã nôn nao chờ nàng. Chính nàng làm những dòng nhạc bừng tỉnh dậy, hòa vào nhau, chen nhau chạy đến đón nàng. Không gian được mở rộng cho riêng một người. Cô nghệ sĩ buông trôi cho âm nhạc thấm dần vào mình. Nàng sẽ say hơi ấm của những ánh sáng đã lên màu, đến mân mê thân thể nàng, bám theo từng cử chỉ bước đi của nàng, như bao nhiêu cặp mắt ở đâu đó trong vùng bóng tối. Tiếng hát nàng xua đi những ưu phiền của cuộc sống, dẫn vào thế giới huyền ảo của cảm xúc. Ở đó, tình yêu đã giành lại ngôn ngữ, đưa lòng người về những xao xuyến, vì một ánh nắng, vì một giọt mưa. Không còn người đàn bà tầm thường của hàng ngày, Cúc Phương đã hóa thân thành nhạc thành thơ. Những lời nàng hát là những bông hoa tản mác trong đêm, bay bổng về một góc nhớ của người nghe. Cúc Phương thấy mình đẹp tuyệt vời ở nơi gặp gỡ của thơ và nhạc.

Những lúc đó Cúc Phương quên đi số phận hẩm hiu của giọng ca nàng. Nàng không nhớ người ta chỉ cần nàng đóng góp cho một không khí văn nghệ, giúp vào một buổi khiêu vũ. Cô ca sĩ cứ việc hát, những món thịt cá tiếp tục lan tràn các bàn tiệc, rượu ngon vẫn làm mọi người cười nói oang oang. Những cái nhìn âm thầm quan sát không ngừng lâu ở người ca sĩ, mau chóng trở về so sánh sự giàu sang hạnh phúc của những kẻ cùng giới. Khi bụng no, người ta ra sàn nhảy, muốn tiếng hát đừng át tiếng trống giữ nhịp cho điệu nhảy. Ở một vài nơi còn có các bà các ông nóng lòng chờ cô ca sĩ hát cho xong để đến phiên mình trình diễn. Con cái của họ đã lớn, họ cần làm văn nghệ để lấp các khoảng trống, và cần cái nhìn của thiên hạ để hiện hữu. Những người như họ yêu văn nghệ là chuyện dĩ nhiên, vì trong đời sống đầy đủ của họ tình cảm cũng phải có thừa. Đừng lầm họ với những kẻ xướng ca vô loài, hát vì đồng tiền bát gạo.

*

Ở những nơi Cúc Phương trình diễn, Trần Vĩnh Phúc lẽo đẽo theo vợ như một bóng mờ. Sự hiện diện của hắn không cản nổi những chàng hào hoa phong nhã đến quàng vai tán tỉnh cô nghệ sĩ lẳng lơ. Trần Vĩnh Phúc lo mọi chuyện hợp đồng giá cả cho vợ, nhưng nhất định không nhận mình là ông bàu. Hắn tự giới thiệu là một nhà kinh doanh. Có hùn vốn vào một vài công ty thương mại hoạt động trong cộng đồng Việt Nam ở Pháp, và gần đây ở cả trong nước. Hắn mà kinh doanh cái quái gì! Khá lắm là lâu lâu làm môi giới trong những chuyện buôn đi bán lại lặt vặt. Nếu không, tại sao cô vợ còn phải trát phấn trát son đi hát đêm, và hắn còn phải ngồi chờ vợ hàng giờ, mặt thiểu não trong một góc tối phòng trà?

Không ai biết rõ quá khứ của gã Phúc này. Những lúc bắt buộc phải nói gì đó về hắn, người ta lại mang ra những câu chuyện đồn đại. Sự nghiệp kinh doanh của hắn nghe đâu bắt đầu vào đúng những ngày bộ đội bước vào Sàigòn. Hắn đã nhanh trí tụ tập được nhân công để may gấp những lá cờ Mặt Trận Giải Phóng đủ cỡ, bán khắp thành phố. Khi có người bắt chước làm theo thì hắn đã chuyển qua cờ đỏ sao vàng, còn nhận làm thêm biểu ngữ, bích chương, vòng hoa chiến thắng... Thu nhập của hắn tăng vùn vụt theo số lượng các buổi mít tinh, diễn hành, liên hoan của chế độ mới. Khi giai đoạn ăn mừng giải phóng đi qua, hắn biến mất một thời gian, rồi xuất hiện lại ở một xóm lao động khác, xa nơi cũ. Người ta kể ở đó hắn thân thiện với nhóm công an của phường. Một con người như hắn đâu có chế độ chính trị nào tin được, cho dù hắn khoe khoang "thành tích" đào ngũ quân đội cộng hòa. Nhưng thời đó cần nhiều lớp trung gian giữa chính quyền mới và nhân dân thành phố. Hắn lại sẵn sàng làm những chuyện đòi hỏi phải cất đi nhân cách. Người ta nghe nói, khi trong phường có cậu Việt kiều yêu nước về thăm gia đình, hắn đã đến ngồi cả ngày ở phòng khách gia đình cậu ta, cho tới khi nhận được tờ giấy 10 đô, vài hộp thuốc Tây và bao thuốc lá ngoại. Trần Vĩnh Phúc lấy được Cúc Phương là nhờ chút quyền hành cách mạng được chia. Đừng ai trách cô thiếu nữ mới vào sống ở thành phố đang cần hộ khẩu. Phải hiểu thêm cho, cô ta lúc đó vừa bị chồng bỏ, đến thằng con trai cũng từ chối theo mẹ. Đầu óc làm ăn của gã Phúc có lẽ hợp với nền kinh tế chưa có thị trường (xã hội chủ nghĩa). Những năm thiếu thốn mọi thứ, gã Phúc lúc nào cũng có đồ để bán cho các cán bộ từ Bắc vào, từ thuốc lá Ba Số giả vào ngã Trung quốc thay vì Thái Lan, đến đủ loại văn hóa phẩm đồi trụy lính Mỹ để lại. Rồi hắn đứng ra tổ chức những chuyến tàu vượt biên, khi thành công khi đổ bể. Trong trường hợp những cây vàng của thiên hạ biến mất trước khi tàu đóng xong, hắn lại chỉ rõ thủ phạm, chứng minh được mình chỉ là trung gian, cũng bị lừa như mọi người. Người ta đoán phần lớn vốn liếng của gã Phúc có từ thời hoạt động cho thiên hạ tìm tự do.

Rồi một ngày hai vợ chồng lên tàu đến trại tỵ nạn ở Pulau Bidong. Không đầy một năm sau, họ được chọn vào Pháp. Chẳng hiểu bằng cách nào Trần Vĩnh Phúc có giấy chứng nhận là cựu nhân viên hãng dược phẩm Roussel của Pháp ở Sàigòn. Cho dù người ta nghi ngờ đến cả tờ giấy khai sinh của hắn. Ở Paris, quả thật gã Phúc có hùn vốn vào hai ba tiệm phở Việt Nam, thường đóng cửa khi hết những năm miễn thuế. Hắn có làm chung với người Hoa một vài nơi may quần áo lậu. Gần đây, hắn đứng làm môi giới cho các gia đình ở Pháp muốn tìm con nuôi ở Việt Nam. Hắn đi đi về về, mỗi lần lại có nhiều thêm tên tuổi những nhân vật quan trọng hắn coi là thân, trong chính quyền và ở các cô nhi viện. Cộng sản, Phật giáo, Công giáo hay Cao Đài đều là chỗ quen biết. Hắn lôi ra một lần nữa cái luận điệu thời tổ chức đi chui, nói mình chỉ muốn làm việc thiện, đâu có kiếm chác được gì trong đó. Chẳng ai tin ở lòng nhân ái của gã Phúc. Người ta chỉ cần cái kinh nghiệm luồn cúi của hắn.

Trần Vĩnh Phúc không chịu sống với những người cùng hoàn cảnh và trình độ với mình. Hắn còn tuyên bố rằng giới nghệ sĩ chung quanh vợ hắn là những kẻ đáng nghi ngờ. Nếu nghe hắn thì chỉ có những người nhiều quyền lực hay tiền tài mới đáng tin cậy. Gã Phúc tìm mọi cách len lỏi vào môi trường người Việt thượng lưu ở Paris. Ở đó người ta khinh rẻ hắn, cũng vì vậy mà nghĩ hắn không đủ khả năng lừa bịp, làm hại được ai. Người ta chấp nhận quan hệ với hắn chỉ để làm nổi bật lòng rộng lượng và giá trị của mình. Có thể hắn cũng biết điều đó. Nhưng hình như cách kiếm sống của Trần Vĩnh Phúc chính là để người khác bước đạp lên mình.

*

Thiên hạ thường nghĩ đời một cô ca sĩ chắc phải sóng gió, với những mối tình cho và nhận bừa bãi ở những chốn ăn chơi hời hợt. Trong trường hợp Cúc Phương, sự trung thủy với một kẻ kém cỏi như gã Phúc càng không thể tưởng tượng được. Lạ thay, mặc dù tất cả ở Cúc Phương như một lời mời mọc, nàng lại từ chối những chàng nghệ sĩ tình cảm lai láng và những tay chơi tiền tài dư thừa. Không ai nghĩ gã Phúc đủ sức làm cho người vợ sợ mình. Kẻ xấu mồm nghi là hắn giữ cô nàng bằng bùa ngải. Nhiều người đồng ý với một giải thích sâu sắc hơn. Cúc Phương chỉ có bề ngoài, nàng sợ đàn ông thất vọng khi nhìn thấy con người thật của nàng. Nàng thỏa mãn với một ông chồng chẳng có gì cho phép hắn đòi hỏi ở người khác.

Chuyện nàng dăng díu với ông dược sĩ Nghĩa không xảy ra ở thế giới vui đêm. Nó bắt nguồn từ cái bệnh máu khiến Cúc Phương phải mua thuốc chữa trị tháng này qua tháng khác. Không có bệnh máu này thì ông dược sĩ và cô ca sĩ chẳng thể nào gặp nhau. Tiệm dược phẩm của ông Nghĩa ở gần nhà nàng, ông còn là người đồng hương. ông Nghĩa chỉ có một mình, ở xa nơi gia đình cư ngụ và chỗ vợ làm việc. Buổi sáng tiệm thuốc vắng khách, Cúc Phương rảnh rang, hai người có thể ngồi nói chuyện cả giờ. Nàng thấy mọi thứ ở đây đều có vẻ trong lành, làm yên tâm. Từ tiệm thuốc sạch bóng, đến cái blouse trắng và đôi kính cận thị của ông chủ tiệm.

Ông Nghĩa không có cái nhìn cởi quần áo và những câu nói thô tục của loại đàn ông Cúc Phương thường gặp. Ngược lại, ông nói chuyện đứng đắn lịch sự, văn vẻ trí thức. Nghe ông kể về những chuyến du lịch ở các nước xa xôi lạ lùng, Cúc Phương thấy ông hiểu biết rộng và có cuộc sống phong phú. Đời của ông ổn định làm sao, với bà vợ làm kỹ sư và hai đứa con vừa học giỏi vừa ngoan. Cô nghệ sĩ không bị lòe mắt bởi cái xe Mercedes mới toanh của ông, hay các loại giải trí đắt tiền của gia đình ông. Nàng biết của cải và may mắn trên đời không thể chia đều cho mọi người. Nhưng nàng không ngờ một người thành công như ông Nghĩa lại giản dị, dễ thân như vậy. Phải nói Cúc Phương chỉ thực sự bị lôi cuốn từ khi, quen nàng hơn, ông Nghĩa bắt đầu tâm sự về cuộc đời của ông. Cô khách không cùng môi trường sống, không cùng giới, ông không có gì phải thận trọng giấu giếm.

Hóa ra ông Nghĩa không có hạnh phúc! Từ hồi trẻ đến bây giờ, đã gần 50 tuổi, mọi chuyện trong đời ông đều được vạch sẵn, tổ chức chặt chẽ, không có chỗ cho tình cờ và may rủi. Thời chiến tranh ông đi du học, gia đình đủ phương tiện để ông chọn đường học vấn dài, ra trường ông lấy vợ liền, con nhà danh giá và có nghề nghiệp vững chắc, bố mẹ ông và gia đình vợ ngay lúc đó hùn vốn mua tiệm thuốc, thiếu bao nhiêu thì nhà băng vui vẻ cho mượn tiền, vợ chồng lập kế hoạch có 2 con, cách nhau 2 tuổi, và 2 nhà, 1 biệt thự ở ngoại ô cho mình và 1 căn hộ trong Paris cho thuê. Những gì gặt hái được là những kết quả không thể khác.

Nhưng ông Nghĩa thiếu những thất bại để hưởng sự thành công của mình. Mặt khác, sự nghiệp của cả hai vợ chồng đã ổn định, con cái đã vào đại học, tiền của đã đủ chỗ đầu tư, nhà cửa không thể làm đẹp hơn, tiêu thụ đã cạn nhu cầu, giải trí phải bớt đi vì tuổi tác... Ông thương vợ con không thua gì ai. Nhưng tình thương này cũng thành thói quen, con mắt không còn nhìn thấy. Như bức tranh đắt tiền rơi vào quên lãng khi treo quá lâu. Cuộc sống mất dần mùi vị và ý nghĩa. Ông dược sĩ chán đời giữa cảnh gia đình đầm ấm và sự giàu sang. Vẫn biết thiếu gì người thèm thuồng địa vị của ông. Nhưng họ không hiểu, chẳng có niềm hạnh phúc nào mọc lên được từ đất khô cằn của một đời người quá phẳng lặng.

Ông Nghĩa càng than vãn, cô ca sĩ càng muốn gần gủi ông hơn. Tất nhiên Cúc Phương không thể hiểu và thông cảm một hoàn cảnh xa lạ với nàng như vậy. Nhưng nàng nhìn thấy ở người này một cái gì tương tự như một tâm trạng nàng có. Phải chăng mọi nỗi bất hạnh, dù khác nhau đến đâu đi nữa, đều muốn xích lại gần nhau? Vì cái thiếu hạnh phúc của kẻ khác làm nguôi đi cái khổ của chính mình. Thêm vào đó, chưa bao giờ có ai cần tình thương của Cúc Phương như vậy, kể cả chồng nàng. Cúc Phương không ngờ cá nhân mình cũng có thể cần thiết cho một người khác. Cho tới nay nàng chỉ biết ngồi chờ nhận, bây giờ nàng mới có dịp để cho. Khi an ủi ông dược sĩ, nàng thấy lòng mình trong sáng, cao thượng lên. Mỗi lần đến tiệm thuốc, người đàn bà tưởng như đẩy lùi được những hạn chế của mình, thoát ra ngoài một thân phận thấp kém.

Ông dược sĩ và cô khách thân cùng nhau vào sâu những tình cảm tâm tư thầm kín của mỗi người. Lần này qua lần khác, họ cởi bỏ từng lớp cái bí mật che chở cá nhân. Cứ như vậy họ bị thu hút về chỗ trần truồng nhất của con người là thể xác. Bắt đầu là những thoáng đụng chạm, như tình cờ vô ý, đi theo những lời trìu mến. Sau đó, hai người càng chối nhận sự dao động của mình, hai thể xác càng tưởng được phép giục gọi nhau. Cuối cùng, cuộc gặp gỡ xác thịt trở thành cần thiết để họ gần nhau hơn. Họ làm tình vội vàng vào những giờ nghỉ trưa, nơi căn phòng nhỏ phía trong tiệm thuốc, đến cả cái giường cũng thiếu. Có khi họ cuồng loạn như say khướt tội lỗi. Có khi họ vụng trộm như trốn tránh chính mình.

Phúc sẽ không bao giờ biết được chuyện của vợ chàng với ông Nghĩa. Tiệm dược phẩm chỉ cách nhà có hai ngã tư nhưng ở rất xa thế giới của Phúc. Hai người đàn ông có gặp nhau vài lần trong khu phố. Nhưng người Việt ở đây chẳng mấy khi chào nhau ngoài đường khi không quen biết. Suốt thời gian tới lui tiệm thuốc, thái độ của Cúc Phương và cả tình cảm của nàng đối với chồng không thay đổi nhiều. Không phải vì nàng giả dối với Phúc hay với chính mình. Nàng gặp ông dược sĩ ở ngoài cái thực tế của nàng. Những giờ nghỉ trưa của tiệm thuốc là những khoảng thời gian nằm trong dấu ngoặc, tách rời khỏi cuộc sống thật. Như những giấc mơ vừa xa vừa ngắn, chúng không để lại những dấu vết lâu dài. Ông Nghĩa không có mặt trong địa phận Cúc Phương chung với chồng. Ông đứng ngoài với một phần riêng tư của nàng, cái phần dù sao cũng không có chỗ trong đời sống vợ chồng nàng.

Với thời gian, ông Nghĩa nhận ra sự sa ngã của mình. Ham muốn và thỏa mãn quá ngắn ngủi so với những dằn vặt sau đó. Ông còn thấy chẳng đổi trác được gì với cô nhân tình. Vì chỉ có ông mới có thứ để cho, để mất. Cô ta không như ông, đâu có một hiện tại và một tương lai đáng được bảo vệ bằng bất cứ giá nào. Những giá trị của ông ngày càng lung lay, do lỗi cô nghệ sĩ đùa nghịch với đạo đức người khác. Cúc Phương phải thấy rõ hạnh phúc của gia đình ông. Ông tỏ ra chăm lo gia đình hơn trước, ông điện thoại cho vợ con trước mặt cô nhân tình, ông dẫn nàng đi mua quà cho họ... Ông Nghĩa đi từ mặc cảm tội lỗi qua cái sợ. Ông cầu cứu Trời Phật, tổ tiên, thày bói, đồng cô đồng cậu. Ma quỷ hãy tha cho ông. Để ông trở về với cuộc sống trước đây, một cuộc sống ít nhất còn được yên ổn. Cúc Phương lúc đó mới biết, giữa nàng và người đàn ông này chỉ có sự hiểu lầm hai chiều.

*

Trong căn hộ nhỏ, người đàn bà tội lỗi ngồi chờ chồng về. Căn hộ giống cả trăm căn hộ khác trong dãy nhà chung cư nằm dài theo đường xe lửa, ở một ngoại ô xa Paris. Buổi chiều ở đây có một bộ mặt thẫn thờ. Khu phố loay hoay với những sinh hoạt vô nghĩa. Thời gian như lết từng bước khật khưỡng nặng nề. Người đàn bà nhìn ra cửa sổ chỉ thấy những bức tường. Những bức tường bằng xi măng, bằng gạch, bằng đá thô, bằng gỗ, bằng tôn, bằng kính mờ, bằng vải cũ... Màu sắc khi tẻ nhạt, khi đục bẩn, khi sặc sỡ vô duyên. Những bức tường giam hãm các căn nhà và mẩu sân, chia cắt không gian, che dấu ánh sáng, chặn đứng tầm nhìn, áp đặt những giới hạn. Có cả những bức tường nằm ngang dọc trong đầu người đàn bà.

Sáng hôm nay, Cúc Phương đến tiệm thuốc lần cuối cùng. Nàng đã chuẩn bị từng lời nói để cuộc chia ly giữ đủ tư cách cho hai người. Chắc ông dược sĩ cũng đã sẵn sàng phần ông. Liên hệ của họ đã loãng nhạt đi nhiều, nhưng còn phải chấm dứt làm sao cho đàng hoàng. Vậy mà họ vẫn làm hỏng cái cảnh chót của một chuyện tình nhàu nát. Hai người tình nhân hụt hẫng, tình cảm đã cạn khô quá mức họ tưởng tượng. Những lời nói khi thốt ra mới lộ hết sự què quặt của chúng. Cố gắng của mỗi người chỉ làm tăng một sự giả dối không còn cần thiết. Cuối cùng, còn lại những cái nhìn xin lỗi nhau, thảm thương. Tình yêu này là một chuyện vô lý. Một sai lầm. Nó không xứng đáng có một kết cuộc tử tế.

Người đàn bà giờ đây đứng ngẩn ngơ bên cửa sổ, mắt ướt nhòa. Nước mắt không gửi về người nhân tình đã thành xa lạ. Cũng không tiếc nuối cái thời gian có ảo ảnh của một hạnh phúc. Cúc Phương khóc cho thân phận mình. Nàng đã bị chặn lại khi định ra khỏi thế giới nghèo nàn của mình. Nàng đã bị xô đẩy trở về cái góc đời đặt sẵn cho mỗi cá nhân. Cô nghệ sĩ đã nhìn lại mình chưa mà đem lòng tội nghiệp người khác? Sự rộng lượng chỉ nên có ở những kẻ nhiều may mắn. Cúc Phương vươn lên cũng vô ích, không ai cần những tình cảm cao thượng đến từ hạng người như nàng. Những ý nghĩ như thế cứ quanh quẩn trong đầu, để nước mắt từng giọt rớt xuống những ảo tưởng bị dập vùi.

Cúc Phương chợt nhớ, mỗi lần nàng đau khổ vì một thất bại hay một mất mát nào đó, lại có Phúc ở gần. Người chồng lúc nào cũng có mặt, như bao nhiêu lần chờ đợi nàng ở cuối những đêm khuya. Phúc là nơi trở về của nàng. Là thực tế của nàng sau những ước mơ vỡ vụn. Người đàn ông này không bao giờ biết nói những câu yêu đương, làm sao tìm được một lời dỗ dành an ủi. Nhưng tất cả ở trong sự hiện diện và đôi mắt của chàng. Phúc hiện diện như một nhân chứng, để Cúc Phương không còn một mình với những ác nghiệt và bất công nàng phải nhận. Đôi mắt Phúc sẽ ở với nàng thật lâu, cho đến khi tiếp thu được hết nỗi bất hạnh từ nàng. Chỉ như vậy thôi, cặp vợ chồng đã chung nhau từng ngày mưa ngày nắng, từng niềm vui nỗi buồn, từng đoạn đường của một hành trình dài. Họ chia sẻ với nhau những hy vọng từ khi chớm nở, những tủi nhục cho đến khi quên. Họ gom góp lại cả sự cô đơn của mỗi người. Hai số phận không thể xa cách. Cúc Phương đã mang trong người sự hiện hữu của Phúc, và đã gửi chồng cả một phần của nàng.

Bàn tay chưa lau xong nước mắt Cúc Phương đã mỉm cười. Nàng nghĩ tới những đêm vợ chồng trở chứng mò tới nhau trong chăn mền. Lần nào, sau khi tắt đèn đầu giường, họ cũng đợi một lúc cho tắt hẳn âm vang của những ngày đang đi qua. Tắt đi phần nhìn thấy của cuộc sống. Ngón tay cái của Phúc sau đó bấm nhẹ vào một nơi nào đó trên người Cúc Phương. Hay nàng khều gọi chồng mình ở đầu những ngón chân. Người đàn bà ngồi dậy, đưa lưng cho chồng. Chàng cẩn thận vén mái tóc dầy qua hẳn phía bên kia bờ vai. Mở thật chậm từng khuy áo, kéo dài thời gian đón nhận những hương vị đầu tiên của nàng. Từ đó người đàn ông đi theo vết hằn của sườn lưng, bắt đầu cuộc phiêu du vào hiện thực người đàn bà. Các mảnh vải nhường chỗ dần cho da thịt cọ xát vào nhau. Những ngón tay ân cần và đầu lưỡi ướt mềm của ai lang thang khắp thân thể Cúc Phương. Đi từ những đầu ngọn, đến các góc khe, vào tận chốn cội nguồn của khoái cảm. Đi tới đâu lại khơi dậy những ngọn sóng tỏa về muôn hướng. Không biết từ lúc nào bóng tối đã thành màu sắc. Trong bóng tối đó hai người nhận diện được nhau trọn vẹn. Chỉ còn sự thật của thể xác, những hơi thở, và cuộc trao đổi cảm xúc. Khi Cúc Phương đón nhận người đàn ông vào mình, sự hiện diện của chàng đột nhiên đầy ắp không gian, và từ các vùng da thịt thoát lên những âm thanh nguyên thủy. Tất cả ở nàng từ đó muốn bám chặt vào sự hiện diện này, theo về những đỉnh cao. Ở sâu trong Cúc Phương, các con sóng càng lúc càng đổ nhanh về nơi hội tụ. Rồi tình yêu nở rộ bất ngờ.

Chỉ có Phúc mới biết lắng nghe, bắt gặp những dao động nhỏ nhất trong Cúc Phương. Vì tất cả xúc cảm của chàng tùy thuộc vào những gì trổ ra từ đó. Bây giờ Cúc Phương mới hiểu. Trong ân ái Phúc không giành một thân thể cho riêng mình. Chàng muốn mỗi chi tiết của thân thể này là một mẩu đất vun trồng sự hòa nhập của hai người. Chàng gửi vào đó một tình cảm ít khi Cúc Phương nhận được ở đời. Một tình cảm quý hơn sự ham muốn, là sự tôn trọng một con người. Tôn trọng toàn vẹn một con người.

Trong căn hộ nhỏ, người đàn bà biết chồng sắp về. Chiều ngả mình vào lòng tối khiến chân trời ửng đỏ một nỗi xôn xao. Những vết nắng cuối cùng long lanh một ánh sáng thần diệu. Bóng tối như mái tóc thiếu nữ loang dần xuống làn da của một ngày. Những người lao động trở về làm khu phố rối rít cả lên. Từ dưới nhà vọng lên tiếng trẻ thơ đùa nghịch, tiếng gia đình tìm gọi nhau, và muôn vàn tiếng động của cuộc sống. Có ai ngờ âm nhạc đã tràn đầy không gian, làm có người ngây ngất một niềm vui rạo rực.

© Vũ Hồi Nguyên, 1996