1.2004
NỘI CHIẾN VÀ HÒA GIẢI DÂN TỘC

   ( Góp ý trong một thảo luận trên mạng )


Theo tôi, nội chiến là một trong những chiều kích (dimensions) của chiến tranh Việt Nam, hiểu theo nghĩa toán học (với các axes de référence khác nhau). Do đó, không thể nói tính chất này ít hay nhiều so với các chiều kích khác như chiến tranh giải phóng, chiến tranh ý thức hệ... Chỉ có thể nói nó ít hay nhiều trong thời gian. Và bản chất cuộc chiến này bao gồm tất cả những chiều kích khác nhau.

Tôi nghĩ ở nguồn gốc chiến tranh (bắt đầu từ cuộc chống Pháp), không có nội chiến, chỉ có chiến tranh giải phóng. Và cũng không có chiến tranh ý thức hệ, vì chủ nghĩa thực dân không đụng độ một ý thức hệ nào khác. Khi thực dân mất chỗ đứng ở Việt Nam thì chiến tranh giải phóng tiếp tục. Ngoại xâm chỉ thay đổi từ Pháp thành Mỹ. Nhưng song song đó, tính chất ý thức hệ tăng dần. Dù muốn dù không thì đất Việt Nam cũng trở thành nơi đụng độ của khối theo Mỹ và khối xã hội chủ nghĩa, ngay sau đại thế chiến 2. Tính chất nội chiến bắt đầu có từ khi một phần dân miền Nam nhìn chiến tranh trước tiên là sự đụng độ giữa 2 ý thức hệ. Số người này đông lên với sự tuyên truyền của Mỹ-Việt Nam Cộng Hòa, thổi phồng một khía cạnh có thật. Hồi đó tôi có một số bạn tình nguyện vào quân đội VNCH để chống Cộng dù không theo Mỹ. Ngày hôm nay tôi vẫn không đồng ý với họ, nhưng không nghĩ rằng tất cả những người chống Cộng đều muốn hay bị ép ủng hộ Mỹ. Khổ nỗi cuộc chiến thời Mỹ là một trong những cuộc chiến dài nhất lịch sử cận đại, chết chóc và hận thù làm tăng nhanh tính chất nội chiến. Tóm lại, tôi nghĩ nội chiến không có ở lúc chiến tranh bắt đầu, nhưng với thời gian nó đã trở thành một chiều kích không thể thiếu trong phân tích về chiến tranh Việt Nam. Chối bỏ tính chất nội chiến thì cũng chối bỏ một nguyên nhân chính, bên cạnh những sai lầm của Đảng Cộng sản Việt Nam, dẫn đến thảm họa vượt biên.

Ngày hôm nay đặt vấn đề nội chiến không chỉ nên nhắm làm sự thật lịch sử đầy đủ hơn. Cần nhìn nhận nội chiến thì mới xòng phẳng với tất cả nạn nhân của thảm kịch Việt Nam, và mới thực sự đi đến được hòa giải dân tộc.

Có người đã đặt câu hỏi : Chừng nào chính quyền hiện nay mới chấp nhận những nghĩa trang quân đội VNCH, và mới xây một đài tưởng niệm những người đã tử nạn vì vượt biên ?



Tôi biết, hòa giải không phải là vấn đề của tuổi trẻ ngày hôm nay, chỉ là vấn đề của thế hệ thời chiến tranh. Tôi biết, không làm gì đi nữa thì vấn đề cũng sẽ chấm dứt với sự ra đi của thế hệ này. Chưa kể là nó đang trên đà được giải quyết với một nước Việt Nam ngày càng bình thường. Tuy nhiên, cái thế hệ chịu hậu quả nội chiến vẫn còn có mặt ngày hôm nay và trong 10-15 năm nữa, và tiếp tục chia thành 2 phe. Một bên nắm chính quyền và các vị trí quan trọng trong xã hội, một bên có những hiểu biết và kinh nghiệm vẫn cần thiết lúc này và sẽ mất đi trong một tương lai gần. Hòa giải dân tộc do đó vẫn có tính thời sự. Không đợi 10-15 năm, mỗi bước hòa giải là một bước huy động được thêm trí tuệ và nhiệt tình cho sự phát triển đất nước. Tôi chỉ muốn thêm là, ở cái tuổi của thế hệ này, nếu không phải dễ đặt lại vấn đề những đúng sai trong quá khứ của chính mình, thì ít nhất cũng nên cố gắng ra khỏi vị trí kẻ thắng người thua. Và những cá nhân chẳng từng có mất mát, như tôi, là những kẻ dễ nói hòa giải hơn người khác, chính vì vậy mà phải nói.

Tôi tưởng tượng mình là một người Việt Nam trẻ ngày hôm nay (chuyện không dễ chút nào với tôi !). Một thanh niên tự nhiên muốn tìm hiểu cái quá khứ gần của nước mình. Tôi tìm đọc sách Việt Nam ở trong nước và ngoài nước. Khổ tâm cho tôi ! Tôi gặp 2 lịch sử hoàn toàn trái ngược nhau, như của 2 dân tộc khác nhau, không hề biết nhau. Không biết dân tộc mình "chống Mỹ và ngụy", hay chống "Cộng sản quốc tế và tay sai". Thiếu đến cả một cái gì đó cho phép tôi nối 2 cái nhìn với nhau, dù không có ý dung hòa chúng, chỉ để tìm một sự thật cho riêng mình. Trong nông nỗi của tuổi trẻ, tôi sẽ khổ tâm, khổ đến độ sẽ trách những tác giả viết sử, rồi trách những người có cái nhìn khác mà không viết, cuối cùng trách luôn cả cái thế hệ đi trước chỉ nghĩ cho mình. Hy vọng đây chỉ là chuyện không có thật.