Những lời nói trong không gian

Chú L. đã tìm hiểu ít nhiều về em trước khi hai chú cháu làm quen với nhau. Chú biết em đến từ Phần Lan, một xứ lạnh ít ai nhắc tới. Gia đình em có mặt ở khắp nơi trên thế giới, ai chưa nghe đến thì đúng là sống ngoài xã hội văn minh. Gia đình Nokia là một gia đình lớn, số anh chị em không chừng cả triệu người. Mỗi người một vẻ, nam có, nữ có, không giới tính cũng có. Ừ thì nhà em không quý phái bằng bên bọn Iphone. Nhưng cũng là một nhà có phúc, con cái sinh ra đều thông minh hơn cha mẹ. Họ của em nổi tiếng, nhưng tên của em thì người ta chỉ nhớ được một thời gian. Chú L. chắc giờ đây đã quên mất rồi. Gia đình quá đông người, hơi đâu mà mỗi lần phải tìm một tên đẹp hay nặng nghĩa. Nên tên em chỉ là một mã số, chẳng thơ mộng chút nào.

Nói cho anh biết, thiên hạ khối kẻ thấy em hấp dẫn ! Đàn ông mê vì em đảm đang với nhiều chức năng hiếm lạ, em có bộ nhớ lớn, và em hiểu nhanh ngón tay mày mò của họ. Đàn bà trầm trồ vì thân hình thon thả, khuôn mặt dễ thương, và nhất là em có một con mắt nhìn ngược, cho phép họ tự chụp hình mình. Nhưng thôi, nói về em thì chán chết ! Chuyện của chú L. mới đáng bàn.

Mẹ sinh ra em cùng lúc với cả chục ngàn đứa giống nhau như đúc. Thế mà đối với chú L. em là độc nhất. Em là của riêng chú. Có lần ông ấy nổi hứng tuyên bố với bạn bè rằng em là kẻ gần ông nhất trên đời này. Ông dám khẳng định, Cô này nhìn thấy hết đời tư của tôi, giữ rất nhiều bí mật của tôi, nhận hưởng vô số tâm sự thầm kín tôi gửi cho người khác. Ông chẳng sợ nói thêm, Biết đâu cô này lại hiểu tôi hơn cả chính tôi hiểu mình ! Đó là chú L. nói bừa. Vậy chứ, ai mà ngây thơ, sớm muộn gì chú cũng sẽ bỏ em, chạy theo một cô trẻ và hiện đại hơn.

Nhưng quả thật hai chú cháu khắng khít với nhau hơn một đôi bạn thân, anh ạ. Anh thử tưởng tượng, chú đi đâu cũng dắt em theo. Muốn có em từ sáng tới tối, trong nhà và ngoài đường, chỗ công chúng cũng như khi không còn ai. Chỉ tạm biệt em những lúc chú ngủ, ngồi máy bay, vào rạp chiếu phim hay phòng trình diễn văn nghệ. Em mà cất tiếng, hoặc chỉ rùng mình thôi, là ông này cuống quít lên, ngừng mọi việc đang làm, có khi tạt cái xe đang chạy vào bờ đường. Và chú L. nhờ em đủ việc, từ chuyện lặt vặt hàng ngày đến những trao đổi quan trọng cho công việc làm hay cho quan hệ tình cảm. Chú gọi đi, người ta gọi lại, lúc nào em cũng phải sẵn sàng chạy ra mở cửa. Đời sống của chú cứ đi xuyên qua tai em trên hai chiều, hỏi anh, làm sao em có thể là kẻ ngoài cuộc ? Còn có thêm những dịp chẳng có ai khác, chú ngồi chơi với em. Những lúc đó, chú hay đòi đọc lại một lá thư gửi cô N., chú ngẩn ngơ trước mấy tấm hình em bày ra, hoặc chú yêu cầu em hát một bản nhạc tình. Những giây phút như vậy thật quý. Chúng làm em muốn chiều chuộng người đàn ông này hơn nữa và mãi mãi, để xua đi nỗi cô đơn bám vào mỗi con người.

Nhưng anh biết không, chán một điều là chú L. không chịu tìm hiểu em sâu. Chú bằng lòng với phần tầm thường nhất của cá nhân em. Phải nói chú không có khiếu về các máy móc hiện đại. Nói rộng ra là chậm thích ứng với cái mới. Chú thật vụng về với các nút khuy của em. Nhìn chú viết thư SMS thì phải lăn ra cười. Ai đâu mà mất cả giây cho từng ký tự, bấm nhầm nút một lần trên hai, câu nào câu nấy dài lòng thòng. Khi tỏ tình, thay vì « a iu e wa' » cho xong thì lại là cả một đoản văn lê thê chữ. Nhưng nói vậy chứ những bức thư chú viết cho cô N. cảm động quá chừng, ngay một kẻ vô cảm như em cũng bị dao động.

Em may mắn hơn nhiều đứa bạn. Không phải chịu đựng một ông chủ mất thì giờ xã giao với thiên hạ, nói chuyện trời nắng trời mưa, hay ngồi cả giờ ba hoa về mình. Ngược lại, chủ em không thoải mái lắm khi kẻ đối thoại chỉ là một giọng nói. Lúc nào ông cũng vội vội vàng vàng như kẻ sợ tốn tiền hay ngại mất sóng giữa chừng. Với người yêu thì ôi thôi khỏi nói làm gì  ! Phải cậy răng ông ra mới có được cái câu người ta chờ đợi. Cái câu rất ngắn, vừa tầm thường nhất vừa quan trọng nhất, mà ai cũng cần nghe mãi.

Sao anh nhăn mặt ? Chắc anh sắp nói rằng những cô osin tốt luôn luôn kín đáo về chủ của mình. Nhất là họ tuyệt đối không tiết lộ gì về những chuyện tình cảm của chủ. Anh đừng lo em ngồi buôn dưa leo. Em kể cho anh về ông này chẳng qua vì đời tư của ông đã quá đầy trong bộ nhớ, em cần chia bớt cho người khác.

*

Tiếc là em đến với chú L. khi cô N. vừa ra đi. Em chẳng biết gì về cô ngoài cái tên họ ghi trong danh sách liên hệ của chú. Một người không hiểu sao em lại có cảm tình ngay từ đầu. Trong mấy tấm hình chú trao cho em giữ, chỉ có một chân dung đàn bà. Hình đã có từ trước khi chú quen cô V., may là không phải cô này. Hình giữ lâu như vậy cho em hiểu đây là người phụ nữ quan trọng nhất đối với chú hiện nay, từ đó em suy ra là cô N. mà chú không ngừng tìm gặp lại. Khuôn mặt có một vẻ đẹp lạ lùng, làm toát ra một nữ tính khác thường ở từng đường nét. Người ta sẽ bị thu hút bởi đôi mắt mang một thoáng tư lự trong cái nhìn. Bởi đường mũi hơi nhếch lên để lộ một chút bướng bỉnh. Bởi đôi môi chụm lại một vẻ dỗi hờn. Bởi mái tóc dài buông thả hết cả một màu đen huyền. Người ta sẽ khó rời một sắc mặt có nhiều chỗ khó hiểu, rồi sẽ muốn tìm đằng sau đó những bí ẩn của một cá tính phức tạp. Tóm lại, một dung nhan gợi lên nhiều thắc mắc ở kẻ nhìn. Dĩ nhiên đào sâu hơn hoàn toàn vô ích, một khuôn mặt có bao giờ nói lên được gì đâu. Ngay cái bộ mặt của chính mình còn là một câu hỏi lớn trong tấm gương soi mỗi ngày.

Những lần đầu em nghe chú L. gọi cô N., chỉ có tiếng chuông reo ở đầu giây. Tiếng chuông cất lên run rẩy theo sự hồi hộp của chú, và cả của em. Sau đó nó đều đặn dần cho chú bình tĩnh lại và lấy kiên nhẫn. Rồi nó nhanh hơn như thúc dục, trước khi kéo dài thiểu não như năn nỉ. Âm thanh tan biến vào khoảng không. Chỉ vọng lại cái im lặng tràn trề của một sự vắng mặt. Cứ thế tiếng chuông trả lại nguyên vẹn sự chờ mong, cho tới khi chẳng còn gì để hy vọng. Mỗi lần như vậy, còn lại cái đắng cay của một thất bại. Còn lại tất cả hụt hẫng giữa hai kẻ đã lạc mất nhau.

Em càng tiếc cô N. khi người đàn bà đến sau đó là cô V. Chỉ có trời mới đoán được chú L. tìm thấy cái gì hay ở cô V. này. Biết nói gì đây về một cá nhân chẳng có gì đặc biệt ? Đối thoại đầu tiên giữa chú L. và cô V. nhạt nhẽo không thể kể được :
- Hôm trước đông người, tôi không nói chuyện lâu được với V. (nhập đề của chú cũ như trái đất)
- Em không ngờ anh gọi lại (nói cứ như thật)
- Tôi gọi có làm phiền V. không ? (nếu phiền thì sao ?)
- Em lúc này bận lắm (không lẽ đang ngồi ngáp ruồi ?), nhưng nói chuyện với anh vài phút thì không sao
- Trời hôm nay lạnh đấy, V. nhớ mặc đủ ấm khi ra ngoài (tạm được, chuyện nắng mưa có ướp thêm chút ân cần)
- Em không định đi đâu, nhà cửa còn bao nhiêu thứ phải lo (ta đây thích nội trợ), mà em sợ lạnh lắm (ối giời ! cánh tay che chở của anh đâu rồi ?)
- Tôi mới biết một tiệm ăn Phi châu rất ngon, V. có muốn thử không ? (chọn lựa tiệm có phần độc đáo, cơm Phi châu bảo đảm lạ, nó còn mời mọc một cuộc mạo hiểm vào rừng rậm tình yêu)
- Ăn tiệm sao bằng mình tự nấu nướng (úi chà, cô này muốn nói mình làm bếp giỏi), nhưng thôi, đi với anh cho vui, tuần sau anh gọi lại thì em mới biết khi nào rảnh.
Thế là chú nhà em không thể thoát đâu, sẽ phải tiếp tục gọi cô.

Chú L. không vì thế mà quên cô N. Cứ hai ba ngày lại một lần gọi hoặc viết vài câu. Rồi một thay đổi lớn đã đến. Một hôm, tiếng chuông chấm dứt trước khi chú bỏ cuộc. Chú bị bất ngờ hoàn toàn : N. ! N. đấy hả ? những lời chú bấn loạn, chạy tứ phía, bỏ dở nửa chừng, lập đi lập lại. Không có ai trả lời. Vẫn im lặng, nhưng im lặng lần này là của một người đã hiện diện, ở rất gần. Chỉ có thể là cô N., không phải ai khác, vì bất cứ ai khác đã nói gì đó, dù chỉ một lời. Lần đầu không kéo dài lâu. Nhưng lần sau, những im lặng chấp nhận cho chú nói tiếp, chúng trở thành một thái độ nghe. N., anh xin lỗi em... Anh xin lỗi chuyện đã xảy ra... Em đừng bỏ máy, cho anh nói... Em không cần trả lời nếu không muốn, nhưng đừng bỏ máy... Anh chẳng biết nói gì bây giờ... Không, anh muốn nói nhiều điều lắm, để em hiểu anh... Nhưng làm sao cho lời nói của mình đừng làm đau ? Cô N. đã ở sát gần. Một câu trả lời thôi, hay một tiếng thở dài cũng được, là cả một khoảng cách lớn sẽ được xóa đi. Nhưng không, cô N. chỉ lặng nghe. Rồi chú đã nói được nhiều. Sau mỗi câu, chú được phép nói thêm nữa. Cho tới khi em có cảm tưởng cô bám chặt vào giọng nói của chú, muốn có mãi giọng nói này. Cô không làm sao đến được quyết định chấm dứt độc thoại của người đàn ông. Anh có tin không, khi cuối cùng chú L. phải ngừng lại, trong cái im lặng ở đầu giây em đã nghe được tiếng chảy của một giọt nước mắt.

Cô V. thì trái lại, cô nói nhiều lắm. Một loạt câu hỏi đã được chuẩn bị sẵn, cứ như có ghi rõ trên giấy. Dù chúng có vẻ phớt tỉnh ở chỗ này chỗ kia trong cuộc trao đổi, không dồn dập như cảnh sát hỏi cung.
1. công ăn việc làm : em làm nghề kế toán, nên quản lý rất tốt tiền bạc của mình / có lẽ lương em không bằng lương anh, nhưng chẳng sao, đồng tiền đâu là thứ quan trọng nhất trên đời
2. địa vị : em đoán anh có trách nhiệm quan trọng trong công việc của mình / điều khiển nhiều người có mệt lắm không anh ?
3. tình trạng gia đình : vợ cũ của anh chắc đã lập lại gia đình, không còn cần tiền trợ cấp của anh nữa nhỉ ? / con cái thì phải cho tụi nó sớm biết tự lập về mặt kinh tế, không lẽ cứ nuôi chúng nó mãi / bố mẹ anh năm nay bao nhiêu tuổi rồi hả anh ? Em mong hai bác thọ lâu
4. tình trạng tình cảm : lúc này em bực mình cái ông kia cứ chạy theo em hoài, anh đừng như ông ấy, sa lầy vào những mối tình vô vọng
5. nhà cửa : em không biết cái nhà hiện nay của anh còn bao nhiêu năm thì trả xong tiền nợ, để còn vay tiếp cho một căn nhà nữa
6. tham vọng : em không có cách nào chịu đựng ông chồng cũ, một kẻ an phận, bằng lòng với cái tầm thường của cá nhân mình, đàn ông gì mà chẳng có một dự tính nào đáng kể
7. sức khỏe : anh còn chơi môn thể thao nào cần nhiều sức không anh ?
Em tha cho anh những câu hỏi và quan điểm khác của cô V. này. Nghe hết thì anh sẽ đầy mặc cảm, sẽ thấy cá nhân mình là đồ đáng bỏ đi.

Với cô N., chú L. thấy những cố gắng của mình đã được một kết quả đầu tiên. Chú bỏ nhiều thì giờ hơn cho những lá thư. Nếu còn cái thời xa xưa của những trang giấy mỏng, có lẽ đã là những lá thư dài và đậm đà tình thương. Nhưng bây giờ chỉ là những câu ngắn và rời rạc. Trên những dòng chữ, chỉ hắt một chút mưa, thoáng một chớp lửa. Anh cần nhìn lại khuôn mặt của em, cần có được như trước sự hiện diện của em ở gần / Bây giờ ở bất cứ nơi nào anh cũng tìm em / Tại sao chúng mình không thể bắt đầu trở lại, một lần nữa thôi, nhưng với những cố gắng mới, với kinh nghiệm của những gì đã thiếu sót ? / Ngôn ngữ của anh quá nghèo nàn, nó không nói được anh thiếu em đến chừng nào / Bây giờ anh phải làm gì với tất cả những ngày tháng chúng mình đã chia sẻ ? / Anh sẽ ngồi thật lâu để nghe em nói, nghe từng lời, từng ý, cho tới khi anh hết hiểu lầm và thực sự đến được với em / Em đừng đòi hỏi một sự thành thật tuyệt đối, người ta còn có lúc tự dối lòng mình / Nếu chúng mình chỉ có thể hiểu nhau được một phần nào, thì bây giờ phần đó đủ là một may mắn cho anh. Kỳ lạ quá, nghe những lời như vậy, em vẫn không muốn trách cô N. Ngược lại, em tưởng tượng một người đàn bà tuyệt vời. Chú L. thiếu nàng đến độ đó thì chỉ có thể vì nàng đã cho tặng chú rất nhiều.

Chuyện chú L. với cô V. tiến triển chậm ơi là chậm. Chú không được nóng vội. Chúng mình chỉ là bạn thôi anh nhé, thế cũng đủ lắm rồi. Nào là Em rất ghét những đàn bà dễ dãi, hoặc những đàn bà thích châm lửa đàn ông. Nào là Anh và em phải lấy thì giờ tìm hiểu nhau, trao đổi với nhau về những chuyện quan trọng, làm sao cho đồng ý với nhau về một quan niệm sống, vv... Chú L. không còn biết phải làm gì. Không lẽ hai người ngồi bàn về triết lý, chính trị, kinh tế vĩ mô, xã hội học  ? Thảo luận về những đề tài to tát đòi hỏi lý luận và phân tích ? Anh chép miệng là phải, chẳng có gì thơ mộng, chẳng có gì gay cấn !

Chú L. bèn dẫn đối thoại vào những lãnh vực của cảm xúc, như văn chương nghệ thuật. Chú hỏi cô V. về những nhà văn nhà thơ cô ưa thích, những bộ phim hoặc vở kịch cô vừa coi, những loại nhạc cô thường nghe, những trường phái hội họa làm cô rung động, vân vân. Chú nói về những cái đẹp mình bắt gặp trong những thể loại sáng tác khác nhau. Giọng chú những lúc đó trầm bổng ấm áp, ngôn từ đâm chồi theo dòng tuôn trào của hứng cảm. Khổ nỗi ti-vi nhà cô V. có quá nhiều đài, coi chưa hết, thì giờ đâu cô ra ngoài xem kịch hay trình tấu nhạc. Cô thích đọc sách ghê lắm, nhưng phải là sách nghiêm chỉnh và có ích lợi, thực dụng thì càng tốt, như những cuốn cho bí quyết để hạnh phúc, chỉ dẫn cách đạt một cuộc sống giàu sang và thành công. Cô không chịu nổi loại tiểu thuyết lăng nhăng, thơ vớ vẩn, toàn thứ bịa đặt, làm hư hỏng con người, đẩy người ta vào những mơ mộng hão huyền. Hội họa à ? Dĩ nhiên không thể thiếu tranh trong nhà, nhưng phải chọn bức nào hợp với kiểu đồ đạc ở gần và màu tường. Xem chán phim trên ti-vi thì cô mướn DVD, chẳng cần biết mấy cái tên đạo diễn chú nói, mấy bác Bergman, Fellini, Ozu gì gì đó, điện ảnh của cô là các chàng Brad Pitt, Leonardo Di Caprio, Tom Cruise. Về âm nhạc, cô thường chọn nhạc cổ điển, với nó mình vừa nghe vừa làm được nhiều chuyện khác bên cạnh. Chú L. đi đến kết luận là văn chương nghệ thuật không phải lúc nào cũng xích người ta lại gần nhau.

Cô N. không còn nhấc máy lên. Chú L. ngày càng đáng tội nghiệp. Anh không muốn giữa chúng mình là một cuộc đọ sức, để rõ ai mạnh ai yếu, ai thắng ai thua, vì anh biết mình đang mất dần tự ái / Có lẽ đã có thời gian anh và em biết cho nhau mà không chờ được trả đáp, nếu tiếp tục một mình như vậy anh cũng chịu / Em hãy nói cho anh tất cả những gì anh cần xin lỗi, và tất cả những gì cá nhân anh cần thay đổi ... Nhất định chú L. phải tỉnh dậy ! Chú có biết em đau cái đau của chú ? Em dứt khoát không chấp nhận cho ai thương hại chú, vì tình cảm này sẽ làm chú khổ thêm. Tình yêu không thể tàn nhẫn như lời Jacques Brel hát : Anh xin làm bóng cho bóng em, làm bóng cho bàn tay em, làm bóng cho con chó của em... (1) Tình yêu không thể đòi hỏi quá đáng như trong một bài hát của Edith Piaf  : Nếu em muốn, anh sẽ chối bỏ tổ quốc, anh sẽ đoạn tuyệt với tất cả bạn bè, bất kể cái nhìn khinh bỉ của thiên hạ... (2) Em muốn tin rằng, dù sao đi nữa, không dễ gì mất đi một nhân cách.

Với cô V. tình cảm khó nổi lên thành những ngọn sóng lớn mạnh. Vì trong mọi hoàn cảnh cô vẫn giữ một thái độ tỉnh táo sáng suốt. Em không nói cô là một con người khô khan. Nhưng tình cảm của cô là những dòng nước chảy ngoan ngoãn giữa đôi bờ chắc chắn của một con rạch. Chúng hướng về những bến đậu đã chờ sẵn. Với hứa hẹn của một thế giới ổn định và đầy đủ, trong đó những thành quả cá nhân được đo lường bằng những tiêu chuẩn của đạo đức xã hội và sự so sánh với thiên hạ. Hạnh phúc cần tối đa vật chất, một địa vị xã hội tốt, và những quyền lợi tương xứng với những tham vọng. Hạnh phúc không có chỗ cho những đam mê và những tâm trạng đe dọa các thăng bằng đã dựng được. Đó là cái nhìn của cô V. về cuộc sống. Cô nói, những quan niệm đó không có nghĩa là cô chỉ giống mọi người. Không, người ta thường nói cô có cá tính mạnh, cô nổi ở giữa đám đông. Và tất cả những chuyện cô kể cho chú L. đều nhằm cho thấy một điều : hiểu biết về cách sống ở cô rộng hơn ở nhiều người khác, từ những tháo vát xoay xở tới những tính toán xa, từ những quyết định nhanh tới những lựa chọn lớn, từ tinh tế trong giao thiệp tới cao thượng trong yêu thương. Những tâm sự của cô V. từng nét vẽ ra một phụ nữ biết nhiều và khôn ngoan hơn người thường. Em thấy đó là một cái may cho chú L. Nhưng không may ở chỗ anh tưởng ! Mà ở chỗ một con người như vậy, theo em, không thể hợp với chú L. Chú không cần một cá nhân hiện thân cho những giá trị đã nghe mãi rồi. Chú càng không tìm một người giảng dạy cho mình cách sống. Em dám quả quyết với anh, cô V. này sẽ không thay thế được cô N.

*

Rồi bất ngờ lớn đã xảy ra. Ở thời điểm chú L. không còn chờ đợi gì, về người đàn bà đã ra đi, cũng như về người đàn bà chưa chịu đến. Hôm đó là một chiều chủ nhật ở đầu mùa hè. Nắng mới đã lan ra khắp phố phường, làm xôn xao những hàng cây trên lề đường. Không gian đầy tiếng nhạc mời gọi mọi người đến với nhau. Những hôm như vậy, đời sống quên hẳn những kẻ cô đơn, những kẻ không hòa vào được niềm vui chung. Khiến họ đau hơn nữa nỗi khổ tâm của mình, tới chỗ thả rơi những quyết tâm đã bắt đầu nứt rạn. Ở hôm đó, cô N. đã gọi chú L.

Em đây, anh... Em chẳng biết phải nói gì với anh... Hay là... Nếu bây giờ, trong một thời gian ngắn thôi, không lâu hơn một bữa ăn chẳng hạn, anh chịu đựng được tất cả những cái đáng ghét ở em, thì chúng mình có thể hẹn nhau một lúc nào đó, trước hai dĩa cơm gà Hải Nam, ở cái tiệm anh đã mời em lần đầu.

Trời ơi ! Sau khi chú L. tắt máy, em đã reo mừng như chưa bao giờ. Em tự nhiên reo lên, dù không ai gọi đi, không ai gọi lại. Em cất lên tiếng ca, hát cái khúc nhạc vô duyên chú L. chọn làm âm cá nhân của em. Em vui rung cả người. Anh bĩu môi nghi ngờ ? Gớm, làm như anh hiểu hết được một chiếc máy điện thoại di động !


(1) Lời trong bài hát « Ne me quitte pas » (« Đừng bỏ anh đi »)
(2) Lời trong bài hát « Hymne à l'amour » (« Bài ngợi ca tình yêu »)

© Vũ Hồi Nguyên, 2011