Như mọi ngày

Thời gian cộng lại không quá một tiếng đồng hồ, từ lúc hắn khóa cửa can hộ tới khi hắn bước vào văn phòng ở sở. Không gian di chuyển theo đường tàu điện métro, đi từ một thị xã ở ngoại ô Nam Paris, vào trung tâm thủ đô, ra đến một thị xã phía Đông. Chuyện kể cố bám vào lộ trình mỗi buổi sáng của một nhân viên ngân hàng người Việt định cư ở Pháp đã lâu.

Hắn dậy rất sớm. Việc đầu tiên là đón nhận những tin tức thời sự đó đây. Đài Radio France Inter mở song song với các báo mạng Tuổi Trẻ, Vnexpress, Nhân Dân, Thanh Niên. Cần nghe ngóng bản tin thời tiết để định cách ăn mặc. Ở đây lại thêm một ngày nhiệt độ cao lạ thường, trái đất đang nóng lên vì lối sống vô trách nhiệm của con người. Một hiểm họa cho nhân loại đang rõ dần. Ở thành phố kia chẳng ai quan tâm đến nắng mưa. Trừ khi những cơn bão hàng năm đòi hỏi một đợt cứu trợ rầm rộ hơn thường lệ. Ở đâu đó không xa lắm, vẫn có chiến tranh và vẫn có những kẻ hóa thân thành bom khủng bố để được lên thiên đàng. Nước Pháp đang sống một cuộc tranh cử tổng thống ngoạn mục, với tưng bừng những lời hứa hẹn cho mọi thành phần xã hội. Trong khi ở Hà Nội và Sàigòn, bầu cử Quốc hội sắp tới không chừng chỉ là những biểu ngữ bích chương tô thêm hồng sắc cho phố phường.

Hắn có cả thì giờ đọc thư điện tử. Sáng sớm là giờ của gia đình bạn bè ở Việt Nam, Mỹ, Úc. Có ông chú ở Hà Nội sắp đi chơi một vòng Âu châu. Có cặp vợ chồng bạn ở Arkansas du lịch quê hương lần đầu từ ngày mất nước. Có bạn bè bàn tán về tình trạng trầm trọng của giáo dục Việt Nam. Có Karin phấn chấn tả về ngày tàn của chính quyền Bush. Có cô bạn xưa gửi hình Sydney nở hoa đầu xuân. Và có thư của Hằng. Em đã bắt đầu mua cổ phiếu. Lời nhanh lắm, hơn cả nhà đất. Anh làm nhà băng, lạ gì trò này, anh phải cố vấn em làm giàu đấy nhé.

Hắn làm việc ở một hãng lớn, áo vét và cà vạt phải màu đậm, nghiêm nghị, không một chi tiết buông thả. Dù sao, từ trước tới nay, khi đi làm hắn muốn tuyệt đối giống mọi người, chìm trong đám đông. Cứ như cá nhân hắn đã quá đủ nét cá biệt để cần thêm sự chú ý của thiên hạ. Chiếc cặp da sờn bạc sẽ không quên bao kính cận, một tờ tuần báo, giấy bút linh tinh, và cây dù lỡ tuyết mưa.

Trong thang máy có người đàn bà cùng giờ giấc với hắn. Cái chung duy nhất giữa hai người. Bà người Phi châu, họ đụng mặt nhau đã từ nhiều năm nay, không biết bà ở tầng nào trên nhà hắn. Một lời chào ngắn, còn phải tránh nhìn nhau sau đó. Mỗi người một túi rác trong tay. Túi của hắn nhẹ hơn vì hắn ở một mình. Ra khỏi phòng đổ rác bà sẽ đi nhanh lên, hắn sẽ đi chậm lại. Mới sớm đừng đòi hỏi ai cố gắng.

Ngoài đường xe cộ đã kẹt, khu phố nhộn nhịp đón đưa những người lao động vội vàng và bọn học sinh ồn ào. Vào giờ này Hằng đã gần xong ngày làm việc. Sắp sửa mang khẩu trang, mũ xếp, kính đen, găng tay kín mít nhập vào rừng xe máy của Sàigòn. Không biết hôm nay kịch bản phim của nàng biến chuyển ra sao. Lần này là 10 kỳ, viết dễ không ngờ, em đang thương lượng cho dài thêm. Hằng viết ngày càng nhanh, truyện phim cho ti-vi kiếm được rất khá. Nội dung lần này bảo đảm hấp dẫn : mối tình ngang trái giữa một chàng Việt kiều về nước đầu tư và một nàng họa sĩ đã bị chồng phản bội.

Ga métro vào giờ cao điểm. Người vào đông lên từng đợt xe buýt thả khách gần đó. Người ra đông lên từng chuyến tàu đến bến liên hồi. Kẻ đến ga được mời mọc đủ loại truyền đơn và giấy quảng cáo. Nếu không tin vào những phép lạ chính trị sắp tới, hay mất nhu cầu tiêu thụ những sản phẩm mới ra, thì hãy thử thoát trần theo một giáo phái trước khi đến ngày tận thế. Nhưng thiên hạ chỉ xếp hàng lấy tờ nhật báo miễn phí, đủ chút thông tin và văn hóa cho một đoạn đường tàu. Chung quanh hắn là những khuôn mặt quen thuộc. Một người đàn bà lúc nào cũng thiếu ngủ. Một gã đàn ông vùi đầu vào tờ báo thể thao mở lớn. Anh chàng thanh niên đầu lắc lư theo tiếng nhạc dính tai. Cô nữ sinh kể hết đời mình cho chiếc điện thoại di động. Hắn tự hỏi trong đám đông này có bao nhiêu việc làm sẽ bay đi châu Phi hay châu Á. Hắn thấy đời mình an toàn.

Hằng thật liều lĩnh với trò chơi cổ phiếu. Thị trường chứng khoán Việt Nam biết đâu có ngày sẽ đầy những quả bong bóng rỗng ruột. Nhưng bây giờ ai cũng tìm mọi cách giàu lên cho thật lẹ. Chỉ còn đồng tiền kiếm được làm thước đo sức sống, tài năng và hạnh phúc của một cá nhân. Những giấc mơ tiền bạc là cái lãng mạn của thời đại. Hắn vẫn còn ảo tưởng nếu chưa chấp nhận cái thực tế này.

Lên xe, hắn chỉ còn chỗ đứng ép sát vào cửa ra vào. Chẳng sao, nhìn ra bên ngoài qua cửa kính sẽ tránh cho hắn chạm mũi vào một khuôn mặt hoàn toàn xa lạ. Hay phải đọc mấy trang tiểu thuyết ai đó đã mở được trong một khe hở giữa các thân người chằng chịt. Cuốn sách là tác phẩm mới nhất của Michel Houellebecq, siêu sao hiện nay trong văn chương Pháp, một mạch văn nặng chĩu nỗi căm hờn đồng loại. Bên ngoài là Cachan, Arcueil, Bagneux, Gentilly, vv… các thị xã chạy qua mắt hắn với tất cả cái buồn tẻ của vùng ngoại ô, những thành phố không hồn, nhà cửa tạp nhạp, các bức tường nhem nhuốc graffitis, các bảng quảng cáo rêu rao những hạnh phúc đang hạ giá.

Hắn muốn nhìn sâu vào trong những căn hộ còn ánh đèn, tìm không khí ấm cúng của một bữa điểm tâm gia đình. Rồi hắn xua đi ngay ý muốn này. Không, đấy không phải là điều hắn thiếu. Lúc này hắn thiếu những buổi ăn sáng ở khu Ngã Sáu, ngồi trong quán đông nghẹt người, húp tô bún ốc, tưới nước mắm lên dĩa bánh cuốn, nhìn Hằng uể oải bước vào lại một cuộc sống nửa tỉnh nửa mơ.

Có ai còn ngạc nhiên về mấy ông Việt kiều bỏ vợ con ở nước ngoài, về mua nhà cho bà trẻ trong nước ? Có ai chưa biết những phụ nữ tìm mọi cách lọt vào mắt xanh của một anh chàng Việt đến từ xa ? Nhưng chuyện của Hằng và hắn có khác. Hắn ngày càng ít rằng buộc ở nơi mình đang sống, và Hằng chẳng là kẻ biết lo cho những tình cảm của mình. Hai người đến với nhau thật giản dị, cách đây 2 chuyến về của hắn. Do người quen chung giới thiệu. Hằng chủ động đưa số điện thoại ngay ở buổi gặp gỡ đầu tiên. Hắn mời nàng ăn tối được 3 lần. Hằng không hỏi gì về đời sống ở Pháp, ngay cả về tình trạng gia đình của hắn. Nàng kể nhiều cho hắn về những dự tính đầy đầu, từ những kịch bản muốn viết cho tới những ý định kinh doanh. Đến một tối Hằng mời hắn vào nhà, nàng chẳng đợi gì để trao môi rồi trao thân. Chỉ sau đó hắn mới biết Hằng đã ly dị chồng và có đứa con gái 16 tuổi.

Hắn giựt mình vì tiếng thì thầm vào tai của gã thanh niên đằng sau lưng. Allo, Estelle? Em đang làm gì đó ?…Còn trong giường hả ?... Để anh tưởng tượng nhé…Em khỏa thân dưới chăn, da thịt em là cả một vườn hoa thơm ngắt... Thân thể em dành trọn vẹn cho riêng anh, phải không ?…Ừ, anh cũng vậy, anh yêu em… thật đấy mà… Hắn không biết người đàn bà đang nghiền ngẫm những xác thịt vô vị của nhà văn Houellebecq có nghe thấy gì không.

Tàu điện đã vào Paris, từ đây sẽ chui xuống đất, thỉnh thoảng mới cho thấy những tòa nhà cổ kính, những con đường nhiều nơi còn lát đá, những quán cà phê chật khách uống đứng tại quầy. Hắn đã sống với thành phố này nhiều năm hơn thời gian lớn lên ở quê hương. Có những khu phố đã thành những đoạn đời của hắn. Nhưng Paris, dù không bao giờ thay đổi, chẳng chịu cất giữ kỷ niệm cho riêng ai. Paris như người đàn bà biết mình đẹp nên kiêu sa, nghịch ngợm với tình cảm kẻ khác để rồi thoát ra khỏi mọi vòng tay.

Trung, chàng Việt kiều của Hằng, chẳng lúc nào nói tới một thành phố lớn ở nước ngoài, hay tả đời sống của mình ở xa quê hương. Nhân vật này được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam. Ra ngoài bối cảnh này không lôi cuốn được khán giả đối tượng, còn làm họ mất công tưởng tượng. Chỉ cần biết Trung sinh trưởng ở Mỹ, là một nhà kinh doanh trẻ, thành công nhanh chóng với cái hãng start-up lập ra ở Silicon Valley, quá bận làm ăn để có thì giờ lập gia đình. Lần dẫn bố mẹ trở về quê hương của họ, Trung không ngờ đất nước đó gần gủi với mình hơn tất cả những nơi đã biết. Từ đó anh có ý muốn tạo công ăn việc làm cho những con người đã thành đồng hương của mình. Hằng nói, Trung vừa tài giỏi vừa yêu nước, không như những nhân vật Việt kiều trước đây thường được mang vào phim kịch để làm trò cười. Quả là có đổi mới. Anh chàng du khách ngớ ngẩn ngày nào, tây không ra tây, ta không ra ta, bây giờ đã trở thành một nhà đầu tư cần thiết cho công cuộc hiện đại hóa đất nước. Phim truyền hình nhắm một quần chúng rộng rãi, các nhân vật phải là những mẫu người đáp ứng chờ đợi và ước muốn của người coi. Có lần Hằng nói, ừ thì Trung của em hơi đơn giản, nhưng phức tạp như anh thì chỉ có em là thấy hay hay, khán giả họ sẽ bỏ chạy hết.

Thảm kịch tình yêu của Hằng diễn ra ở những nơi rất sang trọng : khách sạn hạng nhất với những suites hoành tráng, tiệm ăn với trang trí nghệ thuật và tiếng nhạc dương cầm quý phái, resort với bãi tắm thần tiên, sân golf với mấy cô phục vụ mát mẻ, câu lạc bộ thư giãn với thẻ VIP vào cửa. Xe hơi dĩ nhiên là Mercedes, máy laptop và điện thoại di động chỉ có thể là những loại mới ra. Quần áo thì khỏi nói, cô Yến chỉ biết mặc những tác phẩm của các nhà thiết kế nổi tiếng. Cũng hợp lý thôi, Trung không chừng là triệu phú đô-la, và chồng của Yến thì chuyên về địa ốc. Cũng nên biết như vậy phim dễ kiếm tài trợ, ít nhất cũng được Công ty Du lịch và vài công ty sản phẩm thượng hạng. Nếu cần, sẽ có thêm cảnh Trung dẫn Yến đi shopping, vừa chọn túi Vuitton đồng hồ Tag Heuer, vừa bàn với nhau về những trắc trở trong tình yêu của họ.

Như mọi ngày, đến một trạm nào đó có người ăn mày lên xe. Lần này là một thanh niên cao lớn, gã xin lỗi quấy rầy, nói một tràng câu đã học thuộc lòng, rồi di chuyển giữa sự thờ ơ của mọi người. Thời buổi các công ty lớn của Pháp đang đạt những lợi nhuận kỷ lục, và biết bao nhiêu căn hộ trong Paris bỏ không để chờ lên giá, các hành lang trong hầm métro ngày càng đông kẻ vô gia cư vô nghề nghiệp. Nếu không có bầu cử có lẽ báo chí chẳng nói đến hơn trăm căn lều dựng lên giữa mùa rét dọc kênh Saint-Martin, đòi quyền có chỗ trú thân cho mọi người. Và có lẽ chẳng mấy ai biết, ngày hôm nay ở Pháp, có những bà lão lương hưu không đủ ăn hai bữa vì số năm lao động quá ít.

Đã đến trạm chính là Châtelet-Les Halles, nơi hắn đổi tàu đi về ngoại ô Đông. Đây là nhà ga ngầm lớn nhất thế giới, nằm giữa lòng Paris, mỗi ngày tiếp đón trung bình 750 ngàn người lấy 8 tuyến tàu tỏa về muôn hướng. Kẻ xấu mồm sẽ nói thêm, chỗ này cũng là nơi tụ họp đông đảo các cô cậu bỏ nhà đi hoang, từ tỉnh lẻ lên thủ đô. Đồng thời là cửa chính xâm nhập Paris của các đám thanh niên du đãng, từ các ngoại ô nghèo lên nhập vào các cuộc biểu tình để đập phá và đốt xe. Vào giờ này, những dòng người như các đợt sóng tràn ngập các hành lang. Di chuyển ở đây đòi hỏi một tài nghệ như lái xe trong mê hồn trận của quảng trường Etoile 12 đại lộ. Nhưng cái gì cũng thành thói quen, một kẻ như hắn nhắm mắt cũng đi xuyên qua được cái không gian đặc sệt này.

Chẳng cần nhắm mắt hắn vẫn nhìn thấy Hằng đứng giữa đám đông, ở chợ Tân Định gần nhà nàng. Đi chợ với Hằng là cả giờ đồng hồ đầy hồi hộp và thú vị. Nàng mặc cả mọi món đồ, cùng lúc ở hai ba quầy hàng, hết đi tới lại đi lui đố ai mà đoán được, và cứ lăn xả vào những thứ mình chưa biết giá trị thật. Có lẽ cả cuộc sống của nàng cũng được kì kèo hàng ngày như vậy. Hằng tính toán lời lỗ nhanh như chớp, khôn mãi cũng thành dại, dại chán cũng thành khôn. Chẳng hiểu sao hắn lại nhìn thấy trong lối xoay xở sống đó một cái gì quyến rũ lạ.

Trên đoạn đường còn lại có chỗ ngồi, hắn lấy ra tờ Nouvel Observateur, tuần báo thiên tả của giới bobos trí thức tiểu tư sản. Những bài báo ngắn không dễ kiếm giữa hàng loạt trang trình bày các sản phẩm đắt tiền. Địa ngục Darfour và những thân phận bất hạnh thấp thoáng gần các kiểu xe hơi ấn tượng và những cô người mẫu nằm ngồi lả lơi. Mắt hắn ngừng lại ở bài viết về mấy vụ tự tử của nhân viên hãng xe Renault. 3 người đàn ông trong vài tuần. Họ không chịu nổi áp lực của công việc làm, ở cái hãng họ đã phục vụ từ hơn 10 năm. Chẳng lẽ họ chết vì không đạt được những chỉ tiêu cá nhân do cấp trên định, vì không theo kịp một kỹ thuật mới, vì thấy mình sắp bị loại bỏ ? hay vì trước đó cuộc chạy đua hiệu suất đã vò nát cả một con người ? Những đồng nghiệp không ai nhớ gì về họ trong cuộc điều tra sau đó. Và hãng sẽ xóa sạch những dấu tích của 3 nhân viên, 3 trường hợp trục trặc trong cả ngàn nhân viên. Hắn không đọc hết bài báo.

Hắn muốn trở về câu chuyện tưởng tượng của Hằng, thử tìm hiểu một người đàn bà như Yến. Rõ ràng cô họa sĩ không hòa nhập vào được cái xã hội đang hối hả sống ở chung quanh mình. Những đổi thay nhiều và nhanh quá, trong mọi lãnh vực, ở từng cá nhân, khiến nàng lạc mất cả người chồng ở bên mình. Trong cơn sôi sục của thiên hạ, Yến chẳng còn phân biệt nổi cái tạm thời và cái không thể trở lui, cái thật và cái giả, cái để hy vọng và cái đáng sợ. Yến lạc lõng đáng thương khi khăng khăng giữ những giá trị đã lỗi thời hay đổi nghĩa. Cho tới lúc nàng từ chối hẳn cái thực tế của mọi người, ẩn mình vào không gian của những bức tranh nàng sáng tác. Những bức tranh cho Yến một thế giới màu sắc riêng tư để nàng gửi vào đó những cảm xúc không còn chỗ chia sẻ. Cô nghệ sĩ nào có biết các bức tranh của mình ngày càng trừu tượng. Chúng hướng dần tác giả về một chân trời ở xa những giấc mơ của người ta ngày hôm nay. Rồi cứ thế đến lúc Yến tin có một thực tế khác, chắc gì đã đẹp hơn, nhưng biết đâu không dễ thở hơn. Nhất định không thể chỉ có một thực tế duy nhất là cái góc đời nàng đã biết cho tới nay. Trung đến vào lúc đó, như có một cánh cửa bật mở, như có một vùng biển mênh mông thúc giục con sống chảy mau ra khơi.

Khi bước ra khỏi métro hắn đành bỏ lại những suy nghĩ về người đàn bà mang ít nhiều những ước mơ của hắn. Còn một đoạn đường đi bộ trước khi đến lúc hắn bắt tay các đồng nghiệp. Và hôm nay hắn sẽ phải nghe anh chàng ngồi cùng văn phòng kể tiếp về những dự tính sửa sang nhà cửa cho một cuộc đổi đời.

© Vũ Hồi Nguyên, 2007