Hạnh Phúc Là Cùng
Cô Thiên Thiên sống một mình trong một căn nhà nhỏ, không xa Paris. Nhà cũ, kiểu tầm thường, chẳng có gì để tả. Ðằng sau nhà là một mảnh vườn không được chăm sóc, cỏ hoa mọc thoả thích. Chỉ có cây tầm ruột đỏ là đáng kể. Lá cây dầy đặc, thường lấm tấm những chùm đỏ và những giọt nắng vàng, đụng một chút gió lại lao xao một hồi. Chính dưới gốc cây này là chỗ cô chủ nhà tiếp khách. Cô trải một chiếc chiếu hoa cho khách, mình thì ngồi trong cỏ, tựa lưng vào thân cây. Khoảng vườn nơi đó đã đậm màu, ngày này qua ngày khác thấm thêm tâm trạng âm u của những kẻ đến căn nhà này.

Hàng xóm xì xào nhiều về cô Thiên Thiên. Ðã đành cô người Á châu, khác biệt cả một văn hoá. Ðã đành cô chơ vơ một thân một căn nhà, vừa trẻ vừa xinh như cô quả là không nên. Nhưng còn nhiều điều kỳ lạ hơn nữa. Chẳng hạn, tại sao nhà cô cứ mở toang hoang, cửa vào không bao giờ khoá, cửa sổ chẳng cái nào đóng ? Tại sao mỗi ngày đều có nhiều người bước vào nhà, mà hầu như ai cũng chỉ xuất hiện một lần ? Tại sao khách nào cũng đi một mình, và khi vào ra cứ nhìn trước nhìn sau như kẻ trộm ? Toàn người Việt Nam. Ðàn ông có, đàn bà có, già trẻ đủ lứa, người nghèo lẫn người giàu, kẻ lịch sự đạo mạo, kẻ trông bê bối đáng nghi ngờ. Và nhất là tại sao hay có tiếng khóc nức nở phía vườn sau nhà ?

Láng giềng bên tay mặt là một cặp vợ chồng già. Hai ông bà không có thiện cảm với cô gái Việt. Có lần ông nói với bà :

- Này bà, cái con nhỏ mắt híp bên cạnh kéo cả một đám đồng hương của nó tới khu mình. Buổi sáng nào đó, bà và tôi sẽ ngủ dậy giữa một chợ Tàu ! Lỗi tại cái chính phủ phe tả. Ðể dân xứ chậm tiến muốn làm gì thì làm trên đất nước này. Bà đi đâu, nhớ khoá cửa nhà cho thật kỹ.

Chính trị để ông lo, bà che mồm thì thầm :

- Nói riêng ông nghe, con nhỏ tiếp đủ loại người. Tôi nghi nó thuộc một giáo phái tà đạo. Tôi đã bảo ông, lòng tin của người ta bây giờ bỏ tôn giáo, phân tán tứ phía.

Nhà bên trái, vợ chồng tuổi trung niên. Ðầu óc phóng khoáng, tiến bộ. Vậy mà ông chồng vẫn hỏi vợ :

- Anh thiết tha với tự do cá nhân, điều này em đã biết. Nhưng, em ạ, đã nhiều lần có tiếng đàn ông khóc trong nhà cô ấy. Theo em, liệu mình có nên can thiệp khi đàn bà đánh đàn ông ?

Bà vợ phản ứng liền :

- Thử hỏi anh, sự thống trị của đàn ông trên đàn bà không là một bạo lực à ? Em nghĩ tới chuyện khác. Có đàn ông khóc thật đấy, nhưng lúc ra về họ lại có vẻ hài lòng. Anh à, mình phải mạnh dạn thay đổi cái nhìn về đời sống tình dục. Thời nào cũng vậy, nhiều chuyện bị coi là bệnh hoạn. Chỉ về sau người ta mới nhận là bình thường.

Tò mò của thiên hạ lan ra cả một khúc đường nhà cô Thiên Thiên. Tận đầu đường, một bà cụ mỗi ngày phải cố chống gậy đi chợ tới ba bốn lần, để có cớ đi qua căn nhà bí hiểm. Thiên hạ đồn đại đủ điều về cô gái Việt : cô thuộc một tổ chức gián điệp, một băng đảng cướp, một bọn khủng bố da vàng, vân vân.

Sự thật không dễ sợ như vậy. Chuyện là cô Thiên Thiên muốn chăm lo những người khổ trên đời này. Muốn căn nhà mình mở rộng cửa đón tiếp những kẻ không hạnh phúc. Bất kể từ đâu đến, người quen hay kẻ lạ. Có gì mà khó tưởng tượng ? Lòng thương người ai chẳng có ít nhiều, tuỳ lúc, tuỳ thì giờ rảnh. Ừ thì không biết có kẻ nào làm việc từ thiện một mình như thế, ngoài các tập thể tôn giáo hay các tổ chức chuyên môn. Nhưng đó chỉ là một chi tiết, có thể giải thích như một tàn dư của đầu óc cá nhân.

Nói cho đúng, cô Thiên Thiên không có tham vọng gì to tát. Dĩ nhiên cô biết những vấn đề như chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, bất công, thiên tai, vân vân, cần những giải pháp ngoài tầm tay của cô. Thiên Thiên chỉ có ý định xoa dịu những vết thương đã nằm sâu trong những cá nhân bất hạnh. Cô không dám quả quyết sẽ tìm ra những lời khuyên nhủ, an ủi có hiệu quả cho từng trường hợp. Cái khổ muôn mặt, và mỗi con người là cả một thế giới riêng biệt. Dù sao cô cũng chưa đủ kinh nghiệm sống. Nói gì tới kinh nghiệm khổ, không phải ai cũng có. Thiên Thiên lơ mơ nghĩ rằng người ta sẽ bớt đau khi kể được điều không may của mình, cho một kẻ biết nghe và có thì giờ nghe. Cô muốn là kẻ đó, ngồi nghe những tiếng khóc, tiếng than, tiếng thở dài. Nghe thật kỹ, không sót một lời nói hay một giọt nước mắt. Nghe thật lâu, cho cạn hẳn một nỗi niềm. Gọi đó là tình người có lẽ không sai. Là một việc làm rất khó thì chắc chắn. Là một ảo tưởng lớn thì không biết sao.

*

Thiên Thiên nghĩ trước tiên tới những kẻ cùng khổ trong thành phố. Những cá nhân mất việc làm, không còn chỗ trú thân, miếng ăn không đủ cho mỗi ngày, đứng xin từng đồng trên vỉa hè. Những phế thải của một xã hội dư thừa tới cả con người. Thiên Thiên chủ động lên thành phố kiếm họ để dẫn về nhà. Cô chuẩn bị đầy đủ đồ mang theo : mấy ổ bánh mì nhiều thịt, một chai rượu đỏ đắt tiền, ly giấy, khăn chùi miệng, thuốc lá hạng sang, bánh xà bông nhỏ, vân vân. Cô hăng hái đi lùng cái khổ ở các gầm cầu, đường hầm metro, chợ trời, nhà ga. Thiên Thiên ngây thơ làm sao ! Ngay ở cuộc gặp gỡ đầu tiên, chai rượu biến mất khi cô còn loay hoay với ly và khăn. Cô do dự mãi mới dám ngồi bệt xuống đất, cạnh những thân người nằm duỗi dài ngoài đường. Những câu mời mọc của cô vòng vo khách sáo. Một vài ngày sau là Thiên Thiên phải nhìn nhận mình thất bại. Thiện chí của cô thường gặp sự im lặng, những cái đầu cúi xuống đất, những con mắt không còn muốn nhìn. Hiếm lắm mới nhận được một lời làu bàu hay một cử chỉ xua đuổi. Thiên Thiên không hiểu gì cả. Không biết phân biệt một thái độ triết lý từ chối sự sống với một sự buông trôi đã quá lâu. Một nhân cách đã vỡ vụn với nỗi tuyệt vọng ở cuối đường. Phải đợi tới khi Thiên Thiên bỏ cuộc mới có một anh chàng thanh niên theo cô về nhà. Cô rối rít nấu bếp, món nào món nấy làm thật nhiều. Mùi hành tỏi toả ra tận phòng ăn, át cả mùi chàng khách. Rồi cô kiên nhẫn ngồi nhìn hắn ăn uống, cho dù hắn chậm chạp như kẻ không còn thiết gì nhai với nuốt. Ăn xong, hắn dọn sạch bàn vào cái bị đeo vai, chẳng nói chẳng rằng bước ra cửa. Thiên Thiên nói với theo :

- Anh ngồi chơi thêm một chút. Anh muốn kể gì thì kể, tôi sẵn sàng nghe.

Chàng thanh niên như ngạc nhiên, nhìn cô trừng trừng :

- Lâu lắm rồi tôi chưa nói câu nào. Bây giờ phải kể cả đời tôi cho cô nghe thì quá sức của tôi. Cô hiểu không ?

Ra tới ngoài, hắn lắc đầu quầy quậy, nói với kẻ qua đường :

- Trời đất hỡi ! Một cô gái nhập cư ! Tôi phải xin ăn một cô gái nhập cư ở đất nước của mình !

Một giọt nước chảy nhanh xuống gò má Thiên Thiên lúc ấy.

Thiên Thiên chưa kịp rút kinh nghiệm thì những người đồng hương bắt đầu xuất hiện. Cô có nói về hoạt động của mình cho vài người bạn. Nào ngờ tin loan truyền rộng khắp. Giới người Việt vùng Paris đúng là một thôn làng bé nhỏ. Từ đấy Thiên Thiên chỉ đủ thì giờ cho những kẻ cùng quê hương với mình.

*

Ðầu tiên là một cô gái tuổi dậy thì. Tên Quế Lan, không chừng một tên bịa đặt. Cô bé vào đề bằng một trận khóc kéo dài gần mười phút. Thiên Thiên đã sẵn những hộp mù xoa giấy, không thể thiếu trong công việc của cô. Cô lau hết đợt nước mắt này qua đợt khác. Hồ sơ mở hàng là sự tan vỡ của một mối tình đầu.

- Em khổ quá, chị ạ ! Em chẳng thiết sống nữa. Chị hãy cho em can đảm kết liễu cái cuộc đời vô phúc của em. Em đã mất hết. Bây giờ biết chờ đợi gì đây, hả chị ? Không lẽ suốt đời phải mang nặng quá khứ của mình ?

Thiên Thiên cho Quế Lan mượn vai tựa đầu. Cô đập nhè nhẹ lên lưng người con gái mới lớn :

- Lan cứ kể hết cho chị nghe. Chúng mình phụ nữ với nhau, hiểu nhau được.

- Em không biết tại sao ra nông nỗi này. Chuyện tình của chúng em đẹp lắm cơ mà.

Ðúng là câu chuyện đẹp tuyệt vời, tuy hơi dài. Nhiều chỗ Quế Lan cho đầy đủ những chi tiết thật thơ mộng, gợi lên cả một khu vườn nhiều bướm nhiều hoa. Nơi đó có sự trìu mến ân cần của người con trai, những lời tỏ tình nóng bỏng và những xao xuyến bất ngờ của thân thể. Thiên Thiên nhìn thấy đâu đó ảnh hưởng của những tình sử cổ điển Hy Lạp. Nhưng không sao, lòng cô vẫn lâng lâng một cảm giác dễ chịu. Vậy tại sao cuộc tình dang dở ?

- Chuyện chúng em phức tạp lắm, chị không biết đâu. Chúng em không chịu yêu nhau trong một vùng biển lặng. Cứ bị thu hút về nơi giông tố. Rồi thương và ghét lẫn lộn vào nhau, chẳng còn biết tình cảm thật giả tới đâu. Bây giờ em không nhớ anh ấy bỏ em hay ngược lại.

Khi Quế Lan bước qua phân tích tình yêu của mình, các từ ngữ to dần to dần, cho tới khi hiện ra cả một chân lý :

- Tất cả đều do Ðịnh Mệnh ! Ðịnh Mệnh bắt chúng em phải xa lìa nhau trên đỉnh cao của Hạnh Phúc. Không thể khác, chị ạ. Chỉ như vậy mỗi người mới có thể giữ lại vĩnh viễn một Tình Yêu hoàn hảo.

Màn hạ, hai chị em ngồi ôm nhau khóc, ướt cả tóc tai. Cây tầm ruột đỏ toả thêm bóng, không cho những ánh nắng đến quấy rầy.

Thiên Thiên sẽ còn gặp nhiều trường hợp thất tình khác. Không riêng gì tuổi trẻ, tuổi nào cũng có những tình yêu lủng củng. Có đàn ông thương vợ tới chán ngấy rồi quay ra đuổi bắt những hình ảnh hư ảo. Có đàn bà nhiều mùa xuân đến độ con sông tình cảm vỡ bờ lúc nào không hay. Có ông già con tim bỗng nhiên động cỡn, đòi hỏi quá sức của mình. Có kẻ nghệ sĩ lầm lẫn người yêu với cái đẹp hoàn toàn trừu tượng. Có nhà khoa học không đo lường được chính xác một đam mê cực kỳ phi lý. Kể sao cho hết những oái oăm và nghịch lý đến từ những hiểu lầm không còn biết nhân nhượng. Người ta mang lại nhà Thiên Thiên từng bó tình cảm rối bời. Nào là thất vọng, ghen tuông, tiếc nuối, nhục nhã, khinh bỉ, oán hờn, thù vặt, thù dai, vân vân. Tình yêu tuổi trẻ, khi đổi mùa, là những thảm kịch rất lãng mạn. Tình yêu người lớn, khi hết hơi, rớt bịch xuống đất. Nước mắt tìm không ra, vợ chồng lôi nhau ra toà giành giựt con cái và của cải.

*

Cứ nhìn ông bác sĩ Dương, một kẻ không buông thả chút nào khi ly dị vợ. Ông vừa trình bày hoàn cảnh tan nát của gia đình, vừa ăn ngon lành những trái tầm ruột cô chủ nhà mời. Tóm tắt xong thất bại của mình, ông nói :

- Cô thấy đó, tôi không được may mắn. Xin cô đừng bàn vào những vấn đề vật chất, tôi đã có luật sư lo. Ngày hôm nay, tôi chỉ cần một người đứng bên tôi, gần tôi, cùng tôi đau sót tất cả những mất mát tình cảm sau một chọn lựa sai lầm. Một nỗi bất hạnh lớn như vậy cần có nhân chứng.

- Tôi hiểu, ông muốn nói về sự cô đơn của mình lúc này.

- Không, cô sai rồi ! Tôi cô đơn nếu cảm thấy thiếu đi một người thiết thân. Ðằng này hoàn toàn không phải thế ! (bác sĩ Dương bắt đầu mất bình tĩnh) Tôi không tiếc một mảy may nào cái con vợ cũ ! (cơn giận dữ của bác sĩ Dương tăng dần) Tôi còn nhẹ nhõm hẳn khi đuổi được nó đi chỗ khác !! Một con mụ ác độc, hèn hạ, tiểu nhân, và... và... Nó là quỷ, không phải là người !!!

Thiên Thiên được nghe sau đó những điều ghê rợn về bà vợ. Con mụ dốt đặc cán mai, thế mà đòi can thiệp vào giáo dục của mấy đứa nhỏ. Con mụ được miễn đi làm, không biết ơn lại còn rong chơi, tiêu tiền suốt ngày. Về nhà thì vứt giầy dép, quần áo khắp các phòng, nấu bếp vô vị, lau chùi nhà cửa chỗ nào cũng phớt phớt. Rồi ả học đòi mấy con đầm ngoài đường. Ả hút thuốc uống rượu, có khi đứng thộn mặt ra nghe nhạc, hay nằm lăn ra đọc sách. Khách đến nhà, con mụ không chịu vào nhà trong với con nít, ngồi chễm chệ ở ghế xa lông, góp ý vào mọi chuyện, cãi cả khách lẫn chồng.

- Nó không được một đức tính nào của đàn bà Việt Nam. Ðã thế còn đòi bình đẳng với chồng, có loạn không chứ !

Thiên Thiên lúng túng, không biết cách nào đặt mình vào địa vị người đàn ông. Nhưng cô thấy văn minh có cái tàn nhẫn của nó. Nó không chịu chờ ai, làm lắm kẻ khổ vì không theo kịp. Bác sĩ Dương đáng thương hơn nữa. Ông tưởng nền văn hoá gốc của mình bị khiêu khích hàng ngày.

*

Không phải đàn ông nào cũng mạnh tính như bác sĩ Dương. Ngược lại, khi thất bại trong lãnh vực tình cảm, họ phần đông mất đi nhiều khả năng, trở thành yếu mềm, cần được chiều chuộng. Nhất là các nhà thơ. Bình thường một câu văn, một con chữ đủ làm họ dao động tới tận đáy lòng. Nói làm gì tới một cuộc tình phụ.

Hôm nhà thơ Hoàng Triền Miên hiện ra trước mặt Thiên Thiên, hắn đi loạng choạng, mặt nhợt nhạt một màu dẻ dơ, mồm sặc mùi rượu, mắt sưng húp, có lẽ vì khóc nhiều. Hắn cố nhe răng cười :

- Uí chà ! Cô em đẹp hơn cả những giấc mơ của anh !

Một chớp sau đã thấy hắn nằm kềnh ra chiếc chiếu hoa, tưởng là giường bệnh. Nhìn hắn, lòng Thiên Thiên se lại. Như thế là cô gặp hiện thân của một nỗi khổ tàn phá tới cả thể xác người ta. Cái khổ vừa khóc tức tưởi vừa tâm sự. Mặc dù nước mắt nhày nhụa, nhà thơ có giọng nói trầm ấm, lôi cuốn lạ thường. Thất tình à ? Thất tình là cơm bữa của hắn. Chưa bao giờ hắn được người đàn bà nào yêu. Con người không ai hiểu Hoàng Triền Miên, đời đời sẽ như vậy. Hoàng Triền Miên chỉ sống được với những con chữ. Chúng luôn luôn quây quần bên hắn, chờ đợi tiếng gọi của ngòi bút hắn. Cao siêu quá, Thiên Thiên bắt đầu ngây ngất

- ...Ðúng thế, em yêu ! Những con chữ bị thu hút bởi ngòi bút của anh. Ðến độ chúng dâng hiến tất cả cho anh. Em thử tưởng tượng, mỗi con chữ ôm chặt lấy ngòi bút của anh, và thúc giục anh lột mở từng ý nghĩa thầm kín của nó...

Những câu nói nồng nàn như chất rượu đã đậm đà. Thiên Thiên nhắm mắt lại, thả hồn theo những con chữ đang nhảy múa trong lời nói của nhà thơ.

- ...Em biết không, cô đơn là vũ trụ của nhà thơ. Nhà thơ chơi vơi trong đó, không tìm đâu ra một chỗ để bám víu... (Thiên Thiên đưa tay mình cho hắn cầm) ...Nhà thơ không sống nổi với thực tế. Cần một giấc ngủ dài đưa mình đi thật xa thực tế... (Thiên Thiên đỡ hắn đứng dậy, dắt hắn vào phòng ngủ trong nhà) ...Nhà thơ làm sao có thể chấp nhận những lớp giả dối phủ lên cái đẹp tinh nguyên... (Thiên Thiên giúp hắn cởi từ từ quần áo của cô) ...Nhà thơ đi mãi, đi mãi, cuối cùng mới biết mình tìm trở lại bàu sữa của người đàn bà nguyên thuỷ... (Thiên Thiên giữ những ngón tay và đôi môi hắn lâu trên ngực của mình)

Hoàng Triền Miên khổ quá đi thôi ! Cô đơn đẩy hắn tới bờ vực thẳm của điên loạn. Hắn chẳng có ai trên đời này. Thiên Thiên sẽ là người đàn bà duy nhất đón nhận hắn vào mình. Từ lúc đó, tiếng nức nở chuyển sang những tiếng thở hắt, càng lúc càng lớn, cho tới khi trở thành những tiếng khóc gào vang lên trong căn nhà nhỏ.

Về sau, Thiên Thiên không hối hận, cũng không trách nhà thơ. Cô nghĩ chẳng mấy khi người với người để chung lại được sự cô đơn như vậy. Cuộc gặp gỡ có bất ngờ và ngắn ngủi đi nữa cũng quý hơn nhiều cuộc chung sống kéo dài trong xa cách. Như trường hợp ông bà Sửu.

*

Ông bà Sửu có một tiệm ăn khá đắt khách. Thật ra bà lo hết mọi thứ. Ông để mặc, không thích dính dáng tới chuyện kiếm sống. Hôm đến nhà Thiên Thiên, bà Sửu đi một mình. Trông bà phấn son hơi nặng, nữ trang lỉnh kỉnh, quần áo có chỗ lóng lánh không cần thiết.

- Cô Thiên này, bà con bảo cô nhiều tài, tôi muốn cô chữa cho chồng tôi. Cô nói giá cả xem sao. Bệnh tình ông xã tôi thường thôi. Có gì chữa tàm tạm cũng được.

- Chị ơi, em mà chữa được ai ! Em không phải bác sĩ và chẳng học gì về tâm lý. Em chỉ ngồi nghe miễn phí. Ngồi nghe những ai muốn kể những bất hạnh của mình. Em chẳng biết làm gì khác.

- Miễn phí à ?! Thế thì tôi sẽ kể hết về ông nhà tôi cho cô nghe. Tôi biết tẩy ông ấy. Chung chăn chung chiếu với nhau cả chục năm rồi.

- Nhưng... em phải nghe anh ấy trực tiếp.

- (bà Sửu thở dài) Chồng tôi có mặt ở đây thì cũng sẽ không nói với cô câu nào.

- Công việc của em chính là gợi chuyện mà chị. Người ta phải nói thì em mới nghe được chứ.

- Khổ quá cô ơi, tất cả vấn đề là chồng tôi bị... á khẩu.

Thiên Thiên há hốc mồm. Ông Trời thoáng hiện trên cây tầm ruột. Khi bình tĩnh lại, cô tươi cười:

- Chị khỏi lo, anh giận chị một thời gian là nguôi. Vợ chồng ai chẳng lúc này lúc nọ.

- Nhưng từ lâu rồi chúng tôi không còn cãi nhau. Mà đâu phải với riêng tôi, với ai anh cũng câm như hến. Cả mấy tháng nay nên tôi mới lo. Chẳng tai nạn bệnh tật gì. Bác sĩ tai-mũi-họng khen cái họng còn tốt nguyên. Vậy mà lời nói cứ tắt dần. Bây giờ như kẻ đứt lưỡi, cô thấy có chán không !

Thiên Thiên nhăn mặt, cắn môi suy nghĩ. Ông Sửu không kể khổ được thì ông nằm ngoài phạm vi của cô, điều này rõ ràng... Nhưng không, cô lầm rồi ! Còn bà Sửu ngồi ngay trước mặt ? Bà không khổ vì chồng à ? Bà không cần người nghe hay sao ? Rõ chán, Thiên Thiên mới gặp khó khăn đã định thoái thác.

- Em thương chị quá, em sẽ giúp chị. Chắc anh nhà có điều gì ẩn ức, chị em mình phải kiếm cho ra. Chúng ta thử coi, trước khi lâm bệnh, anh sống ra sao, có những sở thích gì.

- Sống sướng chết đi được ! Chẳng phải lo gì mà vẫn chẳng thiếu gì. Những sở thích của ông nội này thì chỉ làm tôi bực mình. Ai đâu mà suốt ngày, hết đọc sách lại đi tìm người tranh luận về những vấn đề vớ va vớ vẩn.

- Loại sách và vấn đề gì, thưa chị ?

- Sách hả ? Toàn những cuốn tối đặc, vào trang đầu là mình mù ngay lập tức. Nào là lý luận, văn hoá, triết lý, chính trị chính em gì gì đó. Ba cái đồ quỷ, phí tiền và phí chỗ trong nhà. Trí thức, cô ạ ! Ông của chúng mình trí thức ! Còn chuyện tranh cãi... (bà Sửu chợt buồn thiu, chép miệng) Bây giờ tôi chỉ muốn thấy ông tranh cãi như trước (giọng bà thương tiếc) Hồi đó, cái gì ông cũng cãi được, cãi cối cãi chày, cãi cho nát nước. Hết chuyện tây tới chuyện ta, chuyện nào chuyện nấy to như cái đình làng. Bao giờ ông cũng phải giành cho bằng được lời nói cuối cùng. Khách đến tiệm, tôi tìm cách chiều chuộng, thì ông lại kê ghế đến gần để cãi nhau với họ. Khối người giận luôn, không trở lại.

Thiên Thiên xúc động. Ðối với người trí thức, có bất hạnh nào lớn bằng mất lời nói. Xin bà Sửu đừng tiếp tục, mắt Thiên Thiên đã rưng rưng.

- Thế chị có thử cùng anh lý luận, để vợ chồng chia sẻ với nhau mọi tư tưởng ?

- Cái khó là làm sao tôi có được vốn hiểu biết của ông. Những luận cứ của ông nằm cả đám trong sách vở. Mà tôi thì đọc sách ở đâu, ngủ gục ngay ở đấy. Chỉ dăm ba phút, sạch tuột khỏi tay, ngáy khò khò. Chưa kể là theo ông vào các cuộc luận chiến vô bổ thì ai lo quầy tiền ở tiệm ? Ai lo chuyện nhà ? Nhưng cô phải biết, tôi tuyệt đối không cấm cản gì ông. Hơn thế nữa, có lúc thấy ông buồn, tôi mời liền về nhà những tay đối thủ chính trị văn hoá gay go nhất cho ông.

- Xem vậy thì anh nhà em cần những người đam mê như mình.

- Cô tưởng tôi không có đam mê hả ? Cô tưởng tôi chấp nhận một cuộc sống cho qua ngày ?

Thiên Thiên cứ ngỡ một đầu óc thực tế không thể có những đam mê làm sôi nổi một đời nguời.

Ðam mê của bà Sửu là tiền bạc. Một điều chắc chắn, gia đình bà không có khó khăn về kinh tế. Tiệm ăn khấm khá. Hai đứa con đã thành tài, bố mẹ khỏi lo. Nhà cửa đã gần trả xong nợ. Bà Sửu không lo sợ cho tương lai, cũng không so sánh của cải mình với người khác. Nhưng tiền bạc không bao giờ rời đầu óc và con tim bà. Những lúc nó không là vấn đề để giải quyết thì nó là một sinh hoạt, một thú vui. Nói cho chính xác, bà say mê những tính toán về chi thu, lời lỗ, tiết kiệm và đầu tư cho những gì nằm trong tay bà. Lãnh vực tiền bạc là chỗ bà chứng minh sự khôn ngoan, biết sống của bà ở đời. Chứng minh cho chính bà, không cho ai khác.

Mỗi ngày, bà Sửu ngồi mải miết tính tiền suốt buổi chiều ở tiệm ăn. Ðó là những lúc bà sống với đầy đủ cảm giác mạnh. Hết những chi thu của tiệm ăn tới tài chính của gia đình. Hết những món tiền của hôm nay tới những món tiền cho tương lai gần, cho tương lai xa, cho cả những giả thuyết tưởng tượng chơi cho vui. May thay, cái tiệm ăn không bao giờ cạn những vấn đề tiền. Có khi nào hết cách bớt chi chỗ này, tăng thu chỗ kia ? Cái lời có thể lớn mãi không ngừng. Nó đòi hỏi thường trực những sáng kiến và nghệ thuật quản lý. Nào chỉ có thế. Bên ngoài tiệm ăn, cả một thế giới muôn màu muôn vẻ chờ đợi tiền bạc của bà. Ðồng tiền nằm ngủ là một phí phạm lớn. Nó sẽ được mời gọi vào những cuộc phiêu lưu ngoạn mục, đầy bất ngờ thú vị, đầy cạm bẫy để tránh, đầy khoái lạc cho kẻ khôn. Bà Sửu tha hồ chi tiêu, đầu tư, hay tiết kiệm để đầu tư. Chi tiêu ngày càng có nhiều lý do, càng hấp dẫn trong cái không khí cạnh tranh giá cả tưng bừng nhộn nhịp. Ðối với bà, quan trọng không nằm ở cái vật chất mua được, mà ở giá tiền của nó, ở cách đạt được giá tiền này. Mặt khác, bà nuôi tiền lớn lên từng bước, như những đứa con cần trưởng thành trong đời. Thời nay, những kiểu đầu tư nở rộ khắp nơi, đưa người ta vào những tính toán vô cùng hấp dẫn do sự phức tạp của chúng. Bà Sửu nhìn mọi thứ ở giá trị thặng dư về sau. Bà áp dụng quan niệm này vào chuyện nhà cửa. Bà cứ chực đổi nhà, nhắm những khu lên giá. Ở nhà nào bà cũng sửa sang không ngừng, sau này có bán mới được lời nhiều. Căn hộ cho thuê đã có, bây giờ mua những chỗ đậu xe. Thú vui ngày chủ nhật của bà là đi coi nhà mới nhà cũ khắp nơi, chỉ để theo dõi giá cả. Bên cạnh nhà đất, thiếu gì hình thức đầu tư bà chưa có thì giờ tìm hiểu : mua bán cổ phiếu, mua bán tác phẩm nghệ thuật, mua bán xe cam nhông, vân vân. Tóm lại, dù có ít hay nhiều vốn sẵn, cái đam mê của bà Sửu sẽ luôn luôn có chỗ phát triển.

Ngồi nghe bà, Thiên Thiên thấy đồng tiền không khô khan, không vật chất. Nó cho người ta những ngày tháng sống động. Nó cũng hứa hẹn một thứ hạnh phúc nào đó. Giọng bà Sửu từ hăng say trở thành thắm thiết :

- Cô Thiên biết không, trong tiền nong của tôi, mỗi con số có một khuôn mặt và một đời sống riêng. Tôi đã sống quá khứ của từng đứa. Tôi có thể gửi gấm vào mỗi đứa một dự phóng cho tương lai. Chúng cho tôi đủ loại cảm xúc khác nhau. Vui và buồn, thất vọng và hy vọng, chờ mong và tiếc nuối, lo sợ và dễ chịu, đầy đủ và thiếu thốn. Tôi gắn bó với những dụng cụ giúp mình tính tiền. Không thể thiếu cái máy tính bỏ túi, người bạn đồng hành không biết dối trá. Không thể xa những cuốn vở học trò đủ loại dùng làm sổ tiền, chúng là nhật ký của đời tôi. Còn có những ngày tôi chìm đắm hàng giờ trong những hộp giầy cũ chứa hoá đơn và cuống séc, những kỷ niệm vui buồn của một đời người.

Hôm đó bà Sửu nói luyên thuyên về đam mê của mình, quên cả ông chồng á khẩu. Tới khi bà không còn đó, Thiên Thiên mới đau lòng cho kẻ trí thức đã đi vào im lặng. Không biết chừng nào ông Sửu mới tìm ra được một lời nói có người nghe ?

*

Ngày Trần Luân ập vào nhà Thiên Thiên, mặt mày gã căng thẳng, đôi mắt láo liên. Vừa ngồi xuống là gã đã bày ra chiếu hoa những cái máy cỏn con : 2 điện thoại di động, máy PDA bỏ túi, máy hình vi tính, máy ca xét cực nhỏ. Gã xin phép gọi vài cú điện thoại báo cho người ta biết mình đang ở đâu. Trần Luân hỏi trong nhà có ai khác không, để nhờ chụp một tấm hình gã đứng cạnh cô chủ nhà. Thiên Thiên trố mắt. Cái khổ ở đây coi bộ hiện đại. Cô ngạc nhiên hơn nữa khi gã mở máy ca xét. Những lời tâm sự đã được thu băng sẵn.

... Kính thưa cô Thiên Thiên, cuộc gặp gỡ ngày hôm nay sẽ được thông tin cho nhiều người. Mọi hành động, suy nghĩ và lời nói của tôi đều phải được phổ biến rộng rãi và nhanh chóng, bằng những phương tiện hiện đại nhất, như Internet chẳng hạn. Bất cứ lúc nào người ta cũng cần biết Trần Luân đang ở đâu, đang làm gì. Lý do là vì tôi luôn luôn phải nhắc nhở thiên hạ sự hiện hữu của mình trong xã hội này. Rớt vào quên lãng, đối với Trần Luân này, chẳng khác gì chết. Chung quanh ta là một cuộc cạnh tranh không một giây phút ngừng nghỉ. Mỗi cá nhân phải giành cho bằng được chỗ đứng tốt nhất. Khi được rồi thì cần giữ lấy nó bằng bất cứ giá nào, cho tới khi đạt được một chỗ đứng cao hơn. Còn bao nhiêu kẻ vô tài ngồi trên đầu mình, và bao nhiêu kẻ tham lam chỉ chực thay thế mình. Hiện diện trong đầu óc thiên hạ không đủ. Trong thị trường ngày hôm nay, còn phải biết tiếp thị, khuyến mãi rao hàng về chính mình. Làm sao cho cá nhân mình thật ấn tượng và thiết yếu đối với mọi người. Cô nên biết, Trần Luân này không phải vừa. Thông minh và khôn khéo có thừa. Còn giao dịch rộng, nhất là quen những nhân vật quan trọng thuộc đủ các giới, như cô chẳng hạn...

Thiên Thiên nở mũi, sung sướng. Cô tưởng tượng hình mình được trưng bày trên mạng lưới toàn cầu, bên cạnh những vĩ nhân, siêu sao người đàn ông quen biết. Nhưng cô tự tiện ngừng chiếc máy ca xét. Lời tâm sự chuẩn bị trước đổ ra quá nhiều ý, cô không kịp tiếp thu.

- Ông Luân, tôi rất cảm phục tính năng nổ của ông. Phải chăng ông đã bỏ nhiều thì giờ học hỏi những nghệ thuật cạnh tranh với thiên hạ ?

- Không đâu, cô Thiên ạ. Tôi chẳng học ai cả. Từ nhỏ tôi đã quyết tâm không ngừng đi lên những bực thang xã hội. Kết quả có được là nhờ khiếu bẩm sinh.

Thuở học trò, cậu bé Trần Luân đã biết chọn những đối tượng để gần gủi : các thày cô, mấy đứa giỏi nhất lớp, mấy đứa cầm đầu băng nhóm. Khi sinh viên, Trần Luân xung phong vào các ban đại diện, đứng ra tổ chức văn nghệ dạ vũ. Cái tinh tế của chàng là bắt đầu ở những chỗ ít cạnh tranh, dễ nổi, từ đó có bàn đạp tiến lên. Chuyện lấy vợ cũng vậy. Cô vợ vừa xấu vừa rụt rè, chẳng ma nào chú ý, chỉ có chàng mới nghĩ tới gia đình cô và cái tiệm dược phẩm chờ cô học xong. Cuộc đời kỹ sư của Trần Luân, trong một công ty lớn, là một sự nghiệp đấu tranh gian nan. Ngay từ ngày đầu, biểu đồ các cấp trách nhiệm của hãng là chỗ dựa duy nhất để gã quyết định những quan hệ với đồng nghiệp. Không mất thì giờ với những kẻ dưới chức và an phận. Chỉ cần đề cao cảnh giác với mấy đứa lăm le lấy chỗ của mình. Những kẻ ngang chức là những địch thủ nguy hiểm, phải tìm cách hạ trước khi chúng kịp hại. Trên mình là những nhân vật đáng kính trọng, thân mật được chừng nào với họ hay chừng nấy. Chớ bao giờ quên, họ tài giỏi, họ dễ mến, họ biết sống, họ pha trò có duyên. Cho tới ngày họ bị thay thế. Trần Luân không giới hạn đời mình vào môi trường nghề nghiệp. Cộng đồng người Việt ở đây cũng là một mảnh đất dụng võ. Thời chính trị Việt Nam chi phối mọi chuyện, phân loại mọi người, gã lập được một đảng nhỏ, liên minh với các phe nhóm tứ phía, cũng có chương trình cứu nước như ai. Khi các tổ chức đấu tranh chuyển dần qua văn hoá ái hữu, rồi văn nghệ nhảy đầm, gã trở thành một giọng ca có mặt ở khắp các liên hoan, giành dựt micro với cả đàn bà lớn tuổi. Gã quen đủ mọi giới, làm MC cho đủ loại hội. Không ai còn rõ chuyên môn gã là gì, gã là cựu học sinh trường nào, quê hương gã có phải là Huế hay không. Trần Luân đã trở thành một khuôn mặt điển hình, một nhân vật nổi tiếng, một nhà lãnh đạo gì đó.

Thiên Thiên nghe phục quá trời. Cô thấy mình quan trọng hẳn lên từ khi gặp người đàn ông này. Nhưng một cá nhân thành công như vậy thì khổ ở chỗ nào ? Không hiểu sao gã Luân càng kể những thành tích của mình càng buồn rũ rượi, thở dài thườn thượt, chép miệng liên hồi. Thiên Thiên phải nói một điều gì đó :

- Xin thú thật với ông, tôi ngồi đáy giếng, không hình dung được nỗi bất hạnh của những cá nhân xuất sắc. Nếu thành danh như ông tôi đã hạnh phúc từ lâu
.
- Biết thế nào là thành danh ? Ðường tôi đi còn dài lắm. Càng đi lại càng thấy nó dài ra, càng cảm thấy tuyệt vọng.

Quả thật như vậy. Trong sở làm, trên đầu trên cổ gã Luân lúc nhúc xếp lớn xếp nhỏ, ngồi bất di bất dịch có lẽ cho tới ngày gã về hưu. Trong cộng đồng, không gian chật chội những nhân tài, kẻ lão thành, kẻ thần đồng, hết nhà bác học này lại tới đại văn hào kia. Cả một chợ người đè lên gã. Sự thành công của người khác là những nhát dao đâm vào Trần Luân. Thiên Thiên ra giọng coi nhẹ vấn đề :

- Ðấu tranh liên tục như ông làm sao tránh khỏi những giai đoạn mệt mỏi, xuống tinh thần. Ông đi du lịch một chuyến, sẽ lấy lại ngay phong độ. Ông nên nhớ, đời ông lúc nào cũng có vô số những cái đích để vươn lên. Nó chẳng sợ thiếu ý nghĩa.

- Nếu chỉ mệt mỏi thì nói làm gì. Ðằng này là cả một nghi vấn lớn về giá trị thật của chính mình, cô ạ. Cô biết không, càng lên cao tôi càng gặp những kẻ khôn ngoan hơn mình nhiều. Trong thâm tâm, tôi đâm ra phục họ. Cảm phục kẻ khác, đúng là tai hoạ! Một tình cảm không những yếu đuối, còn hết sức tiêu cực, làm tê liệt mọi ý chí tiến thân. Chưa hết ! Phục người khác bao nhiêu, lại thấy mình tệ hại bấy nhiêu. So sánh với người ta, hoá ra tôi nhỏ thấp, yếu kém, bất tài quá độ. Cô Thiên ơi, tôi chẳng ra gì cả ! Tôi tép riu ! Tôi là một con số không vĩ đại !

Tới đây, Trần Luân oà ra khóc, tay quờ quạng tìm chiếc máy hình để ghi lại giây phút bi thảm. Thiên Thiên bây giờ mới biết thế nào là cái khổ vì thất vọng về chính mình. Mắt cô ướt mãi sau khi người đàn ông ra về.

*

Người ta đến trút khổ ở nhà cô Thiên Thiên mỗi ngày một đông. Có hôm phải làm đuôi đứng chờ ngoài đường. Chiếc chiếu hoa dưới cây tầm ruột đỏ nhiều lần ướt nhẹp, không kịp phơi khô. Khổ thì kể sao cho hết, cái nào cái nấy nghe não cả ruột. Những nỗi lòng trào ra từ những vết thương sâu thăm thẳm, tưởng chừng vô phương cứu chữa. Nào Thiên Thiên có chữa trị gì đâu. Cô biết gì mà chữa, chỉ ngồi tựa gốc cây khóc hùa theo thiên hạ. Thế mà ai ra về cũng thấy nhẹ nhõm hẳn, gần như hả hê, nghĩ mình đã tự tìm ra liều thuốc thần diệu. Cô bé Quế Lan thoả mãn, câu chuyện tình của cô, nói cho cùng, có cái đẹp của một bi kịch lớn. Bác sĩ Dương bây giờ hiểu mình, ông sẽ kiếm một bà vợ khác thuần hơn. Nhà thơ Hoàng Triền Miên thấy cô đơn có những thú bất ngờ. Bà Sửu khám phá rằng vợ chồng cần một sinh hoạt chung, và bà sẽ đề nghị với chồng cùng nhau mua bán cổ phiếu. Trần Luân yên trí, gã đã xuống tận cùng cái tồi dở, gã sắp sửa khá lên.

Chỉ tội nghiệp Thiên Thiên. Cô nhận vào mình trọn vẹn những bất hạnh của thiên hạ. Khách ra về đã nhẹ sầu, có khi còn cười toe toét, huýt sáo líu lo. Vậy mà những giọt nước mắt của họ cứ ở lại mãi trong cô. Những nỗi khổ của kẻ khác trở thành cuộc sống hàng ngày của cô. Chúng lấy đi dần những mảng hồn nhiên, những nét yêu đời, những niềm lạc quan ở cô. Ðừng vội đổ lỗi cho những kẻ đến gặp Thiên Thiên. Ai khiến cô dặt mình vào hoàn cảnh của họ ?

Rồi một hôm, không có gì báo trước, người ta thấy cửa nhà cô Thiên Thiên khoá lại, các cửa sổ đóng kín chặt. Không biết cô đi đâu mà không còn trở về. Thật ra chuyện này chẳng quan trọng, không ảnh hưởng gì tới ai. Sau một thời gian, thiên hạ sẽ không còn nghĩ tới căn nhà có cô gái dễ nước mắt.

Trừ thằng bé Didier ở nhà bên cạnh. Một buổi sáng, nó ngồi uống sữa với mẹ trong bếp. Nó nhìn mẹ, do dự một lúc mới nói :

- Mẹ ơi, đêm qua con nằm mơ, gặp cô Thiên Thiên.

- Cô Thiên Thiên ? Ừ... Mẹ cũng không biết cô ấy đi đâu, mãi chưa thấy về. Thế trong mơ con gặp cô ở đâu ?

- Trên trời. Khi mơ, thỉnh thoảng con lên đó chơi.

- Cái gì ?! (bà mẹ nhăn mặt) Didier, mày đi đâu thì đi, nhưng không được nói cô Thiên Thiên ở trên trời !

- (thằng bé giọng quả quyết) Cô Thiên Thiên ở trên trời. Cô đã dọn nhà lên trời.

- (bà mẹ nổi nóng) Cái thằng nói láo ! Cô ấy có bị gì đâu mà lên trời ! Cô phải đi gấp đâu đó, một ngày sẽ trở về. Mày mơ ra sao thì cũng phải hợp lý một chút ! Thằng ranh con !

Thằng bé không nói nữa, chúi đầu vào bát sữa. Bà mẹ rồi cũng làm lành, cười với con:

- Didier, mẹ biết cô Thiên Thiên thương con lắm. Con nhớ cô ấy, mẹ hiểu.

- (thằng bé liền kể tiếp) Cô nói, cô không ngừng nghĩ tới những con người ở dưới này. Cô thấy sống với họ khó thật, nhưng thiếu họ thì thiếu tất cả.

- Cô Thiên Thiên còn nói gì nữa với con ?

- Cô hỏi con có thể nào cho cô một vài giấc mơ của con. Dễ lắm, giấc mơ con đầy đầu. Ðể từ từ con nhớ lại, rồi sẽ đem lên cho cô.

- Chuyện của mày hơi phức tạp đấy nhé. Trong mơ lại có người xin những giấc mơ ! Thế tại sao cô ấy xin những giấc mơ ?

- Cô nói, cô có nhiều giấc mơ người lớn, nhưng không hiểu sao chúng không đẹp như cô tưởng.

Bà mẹ rùng mình. Bà đi ra cửa sổ, nhìn qua căn nhà không còn ai.

© Vũ Hồi Nguyên, 2002