Gửi Những Ngày Đi Qua

Huyền :

Đi xe từ nhà tôi lên phi trường Roissy mất gần một giờ đồng hồ. Vậy mà trong suốt thời gian ấy, Khang và tôi đều giữ im lặng. Hẳn là không như mọi ngày. Hai vợ chồng đi đón một người bạn thân hồi xưa, từ Mỹ qua chơi, sau gần 15 năm không liên lạc.

Thư của Bảo ngắn (...) Tôi hiện sống ở Philadelphia. Hè này du lịch nước Ý, tôi định ghé Paris vài ngày. Một dịp « hành hương », tìm lại một quá khứ của mình. Nếu Huyền và Khang có mặt ở Paris lúc đó thì chúng mình có thể hẹn nhau một hôm, ngồi cà phê nhắc lại những chuyện xưa cho vui. Về hoàn cảnh hiện nay của Bảo thì chỉ có vài câu (...) Tôi đang làm việc trong ngành công nghệ thông tin, lương đủ sống. Chuyện gia đình thì ít may mắn hơn : ly dị vợ đã hơn 5 năm, đứa con trai bây giờ 10 tuổi, sống với mẹ ở xa.

Khi trên xe vợ chồng không có gì để trao đổi, Khang thường mở máy phát thanh tìm nghe tin tức, hoặc tôi chọn một CD nhạc Việt. Nhưng hôm nay Khang không nghe radio, tôi không nghe nhạc. Im lặng thiếu đến cả một âm thanh làm nền.

Khang và tôi đã quen những lúc ngồi lâu bên nhau không một cố gắng đối thoại. Như những buổi tối, khi con cái đã bỏ vào phòng của chúng, vợ chồng để mặc ti-vi quyết định chương trình, mắt nhìn chung một màn ảnh nhưng đầu óc mỗi người đi về một nơi riêng. Lần này ngược lại, im lặng bao trùm những suy nghĩ của hai người về cùng một chuyện. Chuyện Bảo xuất hiện trở lại. Một sự kiện thật bất ngờ cho đời sống vợ chồng tôi.

Khang có một thái độ chờ đợi. Tôi khó chịu chẳng kém lúc nãy, khi anh nhìn tôi với một thoáng ngạc nhiên. Ừ thì hôm nay tôi trang điểm kỹ hơn, ăn mặc không xuề xòa như mọi ngày. Thế còn Khang ? Cái quần jean bao nhiêu lâu rồi không mặc, nó là một cách làm vẻ giản dị, không tự nhiên chút nào ở một con người coi trọng bề ngoài như anh. Nhưng tôi biết thực sự từ đâu mình bực mình. Tôi cần nghe Khang phát biểu bất cứ gì về Bảo, và về cái thời còn một bộ ba. Vì tôi không đoán được Khang bây giờ nghĩ sao về cái quá khứ đó. Mà cũng chẳng biết phải nói gì với chồng về cuộc gặp gỡ sắp đến.

Quả là quan hệ giữa Khang và tôi đã phức tạp lên nhiều. Đến chỗ nhiều khi những lời nói cũng khó tìm ra.

Khang :

Khi nhận được thư của Bảo, Huyền và tôi không ai đề cập tới nó trong gần hai ngày. Thư này là một tin vui cho tôi. Nhưng không thấy Huyền nói gì, tôi lại muốn nàng phản ứng trước. Rồi đến buổi sáng Huyền nói : Kể cũng tiếc, mình phải đưa tụi nhỏ đi nghỉ hè đúng lúc anh Bảo qua. Chứ gặp lại ông này chắc cũng vui. Tôi đã chuẩn bị cho trường hợp này : Anh nghĩ kỹ rồi. Anh đề nghị Bảo về nhà mình trong mấy ngày hắn ở Paris. Trước đó anh sẽ đưa con Liên thằng Hậu xuống Lyon nhà ba me. Mình dọn cho Bảo phòng con Liên, và sẽ đón tụi nhỏ trên đường đi Cap d'Adge. Huyền giẫy nảy : Đâu được ! Nhà đã thuê dưới đó từ đầu tháng. Tôi cãi : Xuống trễ mấy ngày có sao đâu. Thuê nhà tới 3 tuần, để trống 3-4 ngày thì chết chóc gì. Bao nhiêu năm rồi mới gặp Bảo, bỏ qua dịp này thì biết bao giờ có dịp sau. Huyền nhăn mặt : Thôi đi ! Anh Bảo sẽ thông cảm những rằng buộc của đời sống gia đình. Em cũng muốn găp anh ấy đấy chứ, nhưng chương trình hè đã định từ bao nhiêu tháng trước. Và ba me không phải là người giữ trẻ muốn đặt lúc nào là đặt ! Tôi chưa muốn bàn về giải pháp cụ thể : Hồi đó Bảo là bạn thân nhất của hai đứa mình, làm gì cũng có nhau... Huyền ngắt lời : Cái thời đó xa lắm rồi ! Ai cũng đã thay đổi nhiều. Không chừng bây giờ anh Bảo đã thành một kẻ lạ. Mà mình đâu đã già đến độ có thể ngồi hồi tưởng dĩ vãng xa xôi liền trong mấy ngày. Tôi bực mình, Huyền không lấy thì giờ xem xét ý của tôi hay tìm một giải pháp khác. Huyền còn thêm : Bao nhiêu năm chẳng thư từ gì cho nhau, tại sao bây giờ phải gặp nhau với bất cứ giá nào ? Tôi không thể để Huyền nói câu đó : Bất cứ giá nào ! Tiền vài ngày thuê nhà quá đắt để gặp lại Bảo ? Cô đến chỗ đó rồi à ?! Lời nói hai người cứ thế trượt đi. Anh đừng làm như còn thiết tha với tình bạn cũ. Quá khứ đó còn gì trong cuộc sống của anh ngày hôm nay ? Cơn giận của tôi không kềm được nữa : À hóa ra không phải là cô tiếc tiền! Còn tệ hơn thế nữa ! Cô hà tiện tình cảm ngay cả đối với người thân ! Lời nói chỉ còn muốn làm đau : Em hiểu rồi. Em biết tại sao anh muốn gặp lại anh Bảo. Anh Bảo phải nhìn thấy tận mắt tất cả những gì anh đạt được ! Anh Bảo phải thèm thuồng cái địa vị xã hội hiện tại của anh, cái « thành công » của anh, cái « hạnh phúc » của anh. Tất cả những thứ chứng tỏ anh thông minh anh khôn ngoan hơn người khác ! Hơn người bạn cũ không được may mắn bằng anh !

Rồi ngay hôm sau Huyền lại theo ý tôi. Tôi đang tính tiếp Bảo một mình, nên luýnh quýnh : Mới hôm qua... Huyền suy nghĩ kỹ chưa ? Huyền không cần chiều ý anh... Anh cám ơn Huyền. Huyền chỉ nói : Có lẽ em cũng như anh, em cần cuộc gặp gỡ này. Biết đâu nó sẽ cho thấy những gì mình đã đánh mất. Và những gì phải giữ bằng bất cứ giá nào.

Bảo :

Ngồi trên máy bay, tôi tự hỏi Khang và Huyền có bị bắt buộc phải tiếp tôi hay không. Ngày hôm nay tôi còn gì chung với họ ? Cuộc sống của họ và của tôi còn liên quan gì tới nhau, bây giờ và cả về sau ? Tôi đã quên rằng thời gian của mình không phải là thời gian của người khác. Chỉ có đời mình dậm chân tại chỗ. Thường thường người ta thực tế ra dần. Người ta không ngừng xây dựng một đời sống đầy đủ và ổn định hơn. Người ta tiến lên từng bước trong xã hội. Huyền và Khang đâu cần tôi kéo lê về một quá khứ đã mờ đến độ mất dần sự thật của nó. Và chẳng ai muốn nhìn lại những ảo tưởng đã dẫn đến những thất vọng lớn chẳng kém.

Nhưng có hối tiếc cũng đã muộn. Tôi chỉ còn cách nhắc nhở mình một thái độ cởi mở, thận trọng nếu cần. Tôi sẽ chấp nhận mọi thay đổi ở hai người bạn. Nếu họ đã có một lối sống khác tôi, thì tôi không có quyền gì để phán xét. Và cũng không được làm phiền họ với sự dị biệt của mình.

Tôi đoán tại sao mình muốn gặp lại Huyền và Khang. Không phải vì lưu luyến một dĩ vãng đã xa lạ đi nhiều. Mà vì muốn có một dịp so sánh hành trình của mình với hai hành trình cùng một khởi điểm. Để từ đó nhận ra những thời gian đã lãng phí.

Niềm vui bừng dậy khi tôi nhìn thấy hai người thân tay vẫy mặt cười. Câu đầu tiên của Huyền: Gớm, sao anh Bảo ăn mặc chỉnh tề quá, đi nghỉ hè mà cũng đóng bộ và cà vạt ! Tôi tìm được một giải thích : Nhỡ ông bà dẫn tôi đi những chỗ sang trọng thì sao ? Này Khang, mày bây giờ tóc muối tiêu trông oai vệ lắm. Còn Huyền, đến bao giờ Huyền mới chịu già đi ? Khang giành va li : Cái thằng này rời Tây đã lâu mà vẫn còn thói nịnh đầm ! Mày sẽ phải kể cho tao về đàn bà Mỹ đấy nhé. Dĩ nhiên khi nào không có Huyền.

Huyền :

Trên đường về nhà, những lời nói cứ ào ào, chen lấn nhau. Chuyện ngày xưa và chuyện hôm nay, công việc sinh sống, con cái, tin tức những đứa bạn cũ, tình hình ở Pháp, xã hội ở Mỹ, hiện trạng ở Việt Nam, chuyến du lịch nước Ý, chương trình nghỉ hè ở Cap d'Adge, vân vân... Những câu hỏi tới tấp. Những câu trả lời phiên phiến để kịp sang câu hỏi sau. Chiếc xe Mercedes phóng nhanh vì vui theo những trao đổi, Như cái năm nào chiếc Renault 4L thổ tả gồng mình lên cho ba đứa trên đường phiêu lưu xuống tận Barcelona.

Khang chỉ trả lời qua loa về những hoạt động hiện nay của mình. Tôi phải nói thay cho anh. Khang hùn vốn vào một công ty gửi dược phẩm về Việt Nam, ngày càng làm ăn to. Đồng thời Khang tích cực trong vài hội đoàn người Việt tại Pháp có quan hệ mật thiết với chính quyền Việt Nam. Khang về nước rất đều. Tôi kể vậy thôi. Không nói là những hoạt động này khác hẳn một sự « dấn thân vì đất nước » như trước đây ba đứa tự hào. Bây giờ chuyện gì cũng phải đôi bên cùng có lợi, chẳng có mục đích cao cả nào hết. Bảo nói cũng đã có lần về thăm quê hương, nhưng chỉ là đi du lịch.

Tôi mới bắt đầu đề cập tới nghề kế toán của mình thì Bảo chặn lại : Tôi mua được ở Little Saigon mấy cuốn tiểu thuyết Huyền viết. Đọc kỹ lắm. Phải có lúc nào cho tôi phê bình đàng hoàng đấy nhé. Tôi thú thật với anh : Bây giờ viết lách là một việc ngày càng quan trọng đối với em. Hay dở chẳng biết, chỉ biết nó đã thực sự trở thành một nhu cầu.

Bảo :

Biệt thự tôi đến cho thấy chủ nhân đã đạt tới một mức sống khá giả. Điều nhận ra ngay là những sở thích thẩm mỹ mà Huyền có từ trước đây. Từ khu vườn biết làm nổi màu sắc, đến những bức tranh và chi tiết trang trí trong nhà, mọi thứ như có chọn lựa kỹ càng cho một nét đẹp vừa thanh nhã vừa có gì khác những sắp xếp quen thuộc. Huyền quả thật có tài tạo cho mình một không gian sống tránh được những phù phiếm và khuynh hướng khoe khoang.

Hình ảnh Huyền thời trước đã trở về ám ảnh tôi trước cuộc gặp gỡ ngày hôm nay. Tôi còn nhớ một thiếu nữ nhạy cảm đến độ như một hiện diện mong manh giữa cuộc sống. Bao nhiêu lần những khổ đau bất hạnh nàng nhìn thấy đã trở thành những vết thương nhập sâu vào một tấm lòng thiếu phòng thủ. Rồi từ đó Huyền lại để những tình cảm của mình chiếm hết chỗ cho một phản ứng sáng suốt và phải lẽ. Nàng có thể cho tặng không cân nhắc, không chờ đợi được trả đáp. Nhưng cũng có lúc ngược lại hẳn, nàng thu mình hoàn toàn vào một góc riêng tư, từ chối toàn diện một thực tế không vừa ý. Huyền hồi đó như thế, với đầy mâu thuẫn và những tâm trạng khó hiểu. Nhưng tôi đã tìm thấy ở nàng một nữ tính đậm đà khác thường, làm đẹp cả một con người.

Câu chuyện của Huyền và tôi trước đây không thể kéo dài. Nó có quá nhiều đòi hỏi đến từ cả hai người. Sau đó tôi đã phải lấy những quyết định lớn để chôn sâu cái thời gian tuyệt vời Huyền đã cho tôi. Như việc qua Mỹ sống. Như chuyện lập gia đình vội vàng với một người đàn bà khác hẳn Huyền. Bây giờ tôi chỉ mong Khang đem đến cho nàng một đời sống ổn định, với tất cả những gì làm nên một hạnh phúc đơn giản. Điều mà có lẽ Khang có khả năng làm tốt hơn tôi.

Huyền :

Ở Bảo tôi đã yêu những bất mãn và một đầu óc nổi loạn. Tôi đã bị thu hút bởi một thái độ không chấp nhận thực tế khi nó là thực tế của kẻ mạnh áp đặt lên kẻ yếu, thực tế của một xã hội bất công và không bình đẳng, thực tế của những dối trá lừa bịp, thực tế của những con người ích kỷ và tham lam. Bảo bất mãn ngay cả về chính mình, về những hạn chế của bản thân trong cố gắng sống theo những lý tưởng cao đẹp. Vậy mà chính những lúc sự bất mãn sâu sắc ấy dẫn Bảo tới những hành động nóng vội và quá khích, chính những lúc ấy, tôi nhìn thấy một tâm hồn trong sáng và một sức mạnh không nhân nhượng ở những giá trị mình chọn.

Những năm chiến tranh, Bảo đã không ở lâu trong phong trào người Việt tại Pháp chống Mỹ. Anh không chung sống được với những kẻ, dù cùng mục đích hoạt động với mình, nhưng đã từ bỏ sự độc lập suy nghĩ để hòa mình vào tập thể. Anh trở thành một hạt sạn cản trở vận hành của một tổ chức đòi hỏi kỷ luật tự nguyện. Người ta nhìn anh như một kẻ cực tả mà mọi ý kiến đều cần bị ngăn chặn. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là trong suốt những năm Bảo cô độc giữa môi trường dấn thân của mình, Khang và Bảo đã giữ được một tình bạn gần như phi lý, ngay cả khi Khang được chọn vào nhóm người lãnh đạo phong trào.

Trước đây Bảo làm thơ và nhạc. Những sáng tác hừng hực một ngôn ngữ phản kháng khi đó để lộ cái tình người làm tôi rung cảm. Tại sao Bảo chối bỏ một tài năng nghệ sĩ hiển nhiên ở anh ? Tại sao anh đến chỗ gần như ghét sợ một thiên hướng của cá nhân mình ?

Bảo :

Thật không ngờ Khang tiếp tôi chu đáo đến thế. Hắn để sẵn trong phòng ngủ một đống sách báo hắn muốn tôi đọc : vài cuốn tiểu luận như « L'âge des extrêmes » của Eric Hobsbawm hay « Indignez-vous » của Stéphane Hessel, hai ba tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, một loạt tạp chí đủ loại xuất bản ở Việt Nam, một số tài liệu nói lên cuộc khủng hoảng xã hội ở Pháp, vv... Đến cả bản đồ và sách chỉ dẫn tham quan Paris cũng không thiếu. Khang đã mang vào phòng ngủ cho tôi một chiếc ti-vi nhỏ, một máy nhạc có vẻ mới mua, và mấy cái DVD phim nhạc cho biết những sở thích của hắn. Bữa ăn nào cũng có rượu vang quý, đã giữ từ lâu, uống chưa hết chai này đã đổi chai khác.

Rồi phải kể đến những bức hình xưa đã được lục tìm từ trước. Chụp tôi lúc còn tóc dài, khi chưa ra khỏi giai đoạn hippy của những năm đầu tiên ở đại học. Chụp tôi lúc tóc húi cua, khi đến với phong trào Việt kiều chống Mỹ. Chụp Khang đứng hàng đầu trong một cuộc biểu tình đòi «Mỹ cút, ngụy nhào ». Chụp Huyền hát tốp ca nữ trong một buổi văn nghệ gây quỹ giúp đồng bảo. Chụp ba đứa đi dán áp-phích đấu tranh trên đường phố Paris ban đêm. Không chỉ có những hình ảnh hoạt động hội đoàn. Có cảnh ba đứa trịnh trọng với quần áo mới ngồi ăn Tết trong phòng trọ chật chội của Khang. Cảnh ba đứa ngủ dậy trong chiếc xe cũ kỹ ngừng đêm ở ngoại ô Amsterdam. Vân vân và vân vân. Dĩ nhiên có những tấm hình ngày cưới của Huyền và Khang trong đó tôi là một phù rể không ngừng cười. Cả một xấp dày những kỷ niệm của một bộ ba gắn bó với nhau như những ngón tay cùng một bàn tay.

Khang sốt sắng cho từng chi tiết. Không ngại vào tận trung tâm Paris mua những loại jambonsfromages hiếm quý. Tìm mượn đàn ghi-ta cho tôi hát lại những bản nhạc chẳng ra gì tôi đã sáng tác thời còn chút máu nghệ sĩ. Ra tay nấu món vịt ướp cam, sở trường của chàng. Khang lăng xăng. Khang nói nhiều. Khang đùa phá. Cái lạ là lần này tôi thấy cái vui của Khang có vẻ thật. Không như trước đây những lời « vui quá là vui !» của hắn chỉ phá một không khí đang tự nhiên và làm tôi bực mình.

Huyền :

Tôi xin nghỉ làm việc 3 ngày, định cùng Bảo đi coi những công trình văn hóa đánh dấu thời Mitterrand 1, những năm cuối của Bảo ở Pháp : Pyramide du Louvre, Musée d'Orsay, Opéra de Bastille, Arche de la Défense, Bibliothèque Nationale, Cité de la Musique. Bảo nói để xem sao, còn phải đọc cách sử dụng cái máy hình cầu kỳ mới mua. Thật ra ông du khách này chỉ muốn lang thang nhìn phố phường và thiên hạ. Cuối cùng hai người ngồi cả giờ ở quán cà phê, từ Quartier latin qua khu Les Halles, đứng ăn kem giữa chợ Mouffetard, leo chèo những con dốc của ngọn đồi Montmartre, vùi đầu vào các sạp bán sách cũ trên bờ sông Seine.

Trong những trao đổi, tôi thấy rõ khoảng cách Bảo muốn giữ giữa hai người. Vẫn những câu chuyện biến thành đùa và cái nhìn mỉa mai về cuộc sống. Nhưng phải là chuyện của người khác hay của mọi người, Bảo không hỏi gì về cái riêng tư của tôi, cũng không cho biết tâm trạng của anh ngày hôm nay. Anh ngưng lại mọi đối thoại đi về hướng tâm sự. Có lẽ tôi chẳng có thể chờ đợi gì khác, nếu như tôi có chờ. Đã như thế kể từ cái ngày tôi cho Bảo biết mình mang thai con Liên, cũng là lúc anh bắt đầu xưng « tôi ». Chẳng lâu sau ngày đó, Bảo biệt tích hoàn toàn, không một lời chào hay một câu giải thích. Tới khi nhận được thiệp cưới tôi mới biết anh đã định cư ở Mỹ. Tôi nghe kể vợ anh là một phụ nữ vượt biển đến Mỹ, gia đình nông dân, chọn ở nhà nuôi con. Làm sao cô ta có thể chịu lâu nổi cái phức tạp của Bảo ? Hồi đó tôi cũng vậy, có hơn gì.

Bảo nói về những tiểu thuyết của tôi như kẻ làm phê bình văn chương. Bảo thích mạch văn, thấy văn phong đạt ở tác phẩm này hơn ở tác phẩm khác, khen một số nhân vật đậm nét, nhận ra những cái mới, không thích một vài thử nghiệm, dị ứng với những chủ ý khiêu khích. Thế còn tác giả trong những trang giấy đó ? Thế còn những ghét thương, những trăn trở, những ước mơ, những chuyển biến nội tâm người viết gửi vào tác phẩm của mình ? Làm như Bảo không quan tâm đến cái phần để lộ cá nhân của một nhà văn trong sáng tác của mình, đằng sau lớp che phủ của hư cấu. Rồi tôi nghĩ thực ra Bảo không muốn nói sâu hơn. Một lần nữa, anh tránh bước vào một vùng quá thân mật giữa hai người. Và tôi muốn xua đi nhanh nỗi thất vọng không thể chối cãi ở mình.

Khi tôi hỏi Bảo còn viết lách gì không, anh như chờ sẵn câu hỏi : Tại sao Huyền, và cả Khang nữa, vẫn nghĩ tôi có một tâm hồn nghệ sĩ, phải nhảy vào một công việc sáng tác ? Không, bản chất tôi không có gì là nghệ sĩ. Đời sống tôi không đủ giàu để cho mình thành nghệ sĩ. Tôi thỏa mãn với những điều bình thường nhất, nói là tầm thường cũng được, những cái có sẵn trong tay. Ở tôi chẳng có chỗ nào cho một tham vọng sáng tạo. Thiếu đến cả những lúc chịu thả mình hoàn toàn theo những dòng tưởng tượng trong đầu.

Phản ứng của Bảo càng mạnh, tôi càng không tin.

Khang :

Tối hôm đó Bảo và tôi ngồi lâu ở một quán nước khu Bastille. Quán là một « Viện bia »2 với đủ loại bia của các nước trên thế giới. Tôi nói : Ở Việt Nam tiện hơn, họ đặt sẵn cho mỗi người một thùng chai ngay dưới chân. Khách đỡ phải kêu và chờ từng chai. Bảo phá lên cười : Tao không một trăm phần trăm với mày đâu đấy ! Mày bây giờ chắc đã đạt trình độ của dân trong nước, trong khi tao đã xuống tới chỗ pha rượu đỏ với nước đá.

Bảo hỏi tôi về những công việc đang làm với Việt Nam. Không hiểu sao tôi lại nói ngay rằng tôi chẳng có ý định phục vụ hay đóng góp cho đất nước. Chỉ là chuyện làm ăn. Mà làm ăn thì cũng cần có mặt trong hội đoàn này tổ chức nọ. Thế thôi. Bảo nghi ngờ : Mày mà trở thành hoàn toàn phi chính trị ! mày, cái thằng trước đây dùng đủ mọi luận chứng chính trị bào chữa tới cùng cho những sai lầm của một chế độ say chiến thắng ? Tôi nghĩ bạn mình sống với cộng đồng người Việt di tản ở Mỹ, ít nhiều chịu ảnh hưởng của những quan điểm chống Cộng cực đoan không chịu bám theo những thay đổi trong nước. Tôi không thể thuyết phục Bảo là ngày hôm nay kinh tế thị trường đã ngự trị trong mọi lãnh vức, chủ nghĩa xã hội chỉ còn là một mớ khẩu hiệu rỗng nghĩa chẳng mấy ai quan tâm. Người ta mạnh ai người nấy lo làm giàu, và chỉ có bất mãn đây đó khi nhà nước đụng tới những quyền lợi cá nhân. Bảo đề cập tới những gì nghe đọc được về khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, về sự xuống cấp trầm trọng của giáo dục và y tế, về giới cầm quyền chỉ lo cướp tài sản của nhà nước. Khi đó tôi lại không muốn hắn bi quan hơn với những gì tôi lo ngại nhất. Những trường hợp đồng tiền làm hỏng con người, làm chảy nhão nhiều giá trị đạo đức, gây rạn nứt bên trong các gia đình. Những tệ nạn mà hậu quả không chừng sẽ kéo dài từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Bảo :

Tối đã khuya lắm khi hai đứa về nhà. Huyền đã ngủ. Khang nói : Bây giờ mình mới uống cho ra uống, bia vừa rồi là trò nhập đề. Tôi không từ chối, đề nghị ra ngồi ngoài vườn : Biết đâu mày và tao sẽ cãi nhau lớn tiếng, đánh thức vợ mày dậy. Khang cười to : Sợ gì ! Đúng là hai thằng mình ít khi nào đồng ý với nhau. Nhưng chẳng đã có cả một thời cùng lập trường chính trị đấy hả ? Một lúc sau hắn mang ra vườn một chiếc đèn dầu kiểu xưa, và rượu là một chai Cognac XO. Hắn giơ hai thứ lên cao : Đây là biểu tượng của hai giai đoạn lịch sử ở Việt Nam ! Giai đoạn bao cấp không có điện và giai đoạn kinh-tế-thị-trường-theo-định-hướng-xã-hội-chủ-nghĩa có rượu ngon. Tôi nghĩ Khang dư biết những chai XO này chỉ có trong giới đối tác của hắn ngày hôm nay.

Đêm thật yên tĩnh. Gió hè thỉnh thoảng làm rùng mình lá cây trong vườn và lung linh ánh sáng của ngọn đèn dầu. Khang và tôi im lặng một hồi lâu. Tôi cảm thấy Khang vừa xa vừa gần mình. Xa vì hai người không còn chung một môi trường sống và có lẽ cả cái nhìn về xã hội. Xa vì sự khác biệt rõ rệt giữa hai thái độ thích ứng mình với cuộc sống. Gần vì cuộc đối thoại dễ dàng và chân thật cho thấy tình bạn xưa không mất mát nhiều như tôi tưởng. Gần vì, như hồi nào, Khang vẫn dành cho tôi phần rộng lượng nhất của hắn.

Tôi lên tiếng trước, Khang à, lúc mày bắt đầu có gia đình và tao đi Mỹ, ở thời điểm đó chúng mình đã khởi đi từ cùng một tâm trạng. Tâm trạng của kẻ đã mất đi nhiều những niềm tin. Lỗi tại những ảo tưởng của cá nhân mình, hay tại những năm đen tối nhất của đất nước hòa bình, tao chẳng biết phần nào là chính. Từ đó có lẽ mày cũng như tao, mình đâm ra sợ những ước vọng to tát. Tao còn ngờ vực cả những gì đáng lạc quan. Nhưng rồi phải làm sao để tiếp tục ? Tao bây giờ chỉ nhắc nhở mình những sai lầm cũ, tìm những bước đi cẩn thận, tránh vấp ngã trên con đường bám theo xã hội. Nhưng thú thật với mày, tao vẫn loay hoay chưa tìm ra cách sống sao cho tĩnh tâm.

Khang :

Có thể mày trách tao bây giờ không còn phẫn nộ về những chuyện mà hồi trẻ chúng mình đã chống tới cùng. Có thể mày thắc mắc tại sao tao chấp nhận một thực tại trong nước có nhiều mặt còn tệ hại hơn trước. Nhưng ngày hôm nay, tìm đâu ra một hệ tư tưởng vượt qua hạn chế của những ý tưởng cải cách rời rạc lẻ tẻ, cho phép tưởng tượng một sự thay đổi toàn diện của xã hội ? Và có lẽ tao khác mày ở chỗ vẫn muốn đứng trong cuộc, và chấp nhận cái giá phải trả cho chỗ đứng đó. Vì chỉ ở trong cái xã hội không hoàn hảo đó mới có cuộc sống với người khác và cùng với thời đại của mình. Nói cách khác, vì tao muốn tránh những thiếu thốn và nỗi cô đơn của kẻ đứng bên lề. Đúng vậy đấy, Bảo à, cái tao chọn là đứng trong cuộc. Chứ tao không còn nuôi một tham vọng hay một hoài bão nào hết.

Mày biết không, cái chọn lựa này của tao, Huyền không hiểu. Làm như Huyền nghĩ tao phản bội những lý tưởng đã làm chúng mình gặp nhau. Nhưng có đầu óc nào có thể nổi loạn và kháng cự mãi không ngừng, khiến từ đó khô dần sức sống ở mình ? Huyền đã đi một con đường khác. Huyền chọn sáng tác văn chương để trút khỏi mình những dằn vặt khắc khoải, tạo một khoảng cách với những sự thật mình muốn phủ đắp, và giữ một nơi chốn cho những ước mơ. Huyền đã quyết định đi một mình, không có tao, trên con đường ấy. Vợ và chồng cứ thế mỗi người một hướng, làm sao không xa lạ nhau dần ? Bảo ơi, tao muốn mày biết. Giữa Huyền và tao càng ngày càng nhiều mâu thuẫn. Huyền và tao bây giờ chỉ có những chuyện của con cái để trao đổi, và chẳng lúc nào dám đối mặt với những vấn đề giữa hai người.

Huyền :

Sự căng thẳng giữa Khang và tôi khi nhận được thư của Bảo thật là vô lý. Tôi hối hận về những lời đã nói lúc đó. Thật ra Bảo đem đến một niềm vui cho ba người chia sẻ. Tôi đã sợ cuộc tái ngộ tháo gỡ những kỷ niệm cuối cùng. Tôi đã ngại nó phơi bày hết những cách biệt trong hiện tại. Nhưng mọi chuyện đã diễn ra khác hẳn. Có lẽ tình bạn có thể như chất rượu đậm đà lên với thời gian. Những kinh nghiệm sống dù khác nhau đã cho mỗi người thấy cái quý của thời nông nổi với những tình cảm cao thượng. Cũng phải nhờ Khang, nhất là lúc đầu khi Bảo và tôi không dễ tự nhiên. Khang vẫn là kẻ ít phức tạp nhất trong bộ ba. Và lần này sự giản dị của anh đã nhanh chóng tạo lên được một không khí thân mật.

Tôi ngạc nhiên thấy mình quan sát chồng chẳng kém gì quan sát người bạn chúng tôi tiếp. Dường như tới lúc này tôi mới tìm những thay đổi ở Khang kể từ ngày chấm dứt cuộc sống chung của ba người. Nghĩa là tôi không còn đủ chú tâm đến chồng, và như vậy không biết từ bao lâu rồi. Thời gian dành cho những đứa con không thể giải thích tất cả. Đáng lý ra chính sự hiện diện của chúng đòi hỏi vợ chồng phải chăm lo gìn giữ một góc riêng cho hai người. Tới ngày hôm nay tôi mới chợt hoảng không biết Khang và tôi đã lạc mất nhau chưa. Tôi phải thức tỉnh dậy mau để trở về với anh.

Tôi không muốn trách Khang. Rất có thể tôi không nhìn thấy những cố gắng anh đã làm. Và dứt khoát là anh không có trách nhiệm gì về những thay đổi ở tôi. Về những niềm tin đánh mất đã khiến tôi quay lưng lại những hoạt động chính trị và xã hội. Ẩn trú trong cái thế giới sáng tác của mình, một nơi không có chỗ cho Khang. Tôi đã không làm gì cả để thích ứng với những biến chuyển không thể không có ở Khang. Người đáng trách là tôi, không phải là Khang.

Khang :

Huyền tìm đến tôi đêm hôm qua. Vợ chồng vẫn còn những lúc chiều cơ thể, giữ một sự đồng lõa nhục dục. Nhưng lần này khác. Những cử chỉ trìu mến của Huyền như có gì thêm, như muốn nhiều hơn những trao nhận của mọi lần, như đem theo cả một tình cảm tôi không chờ đợi. Và ở từng vùng cái thân thể kêu gọi hòa nhập, tôi đã bàng hoàng về sự dao động nổi lên mỗi lần tôi đến bày tỏ lòng biết ơn của mình. Cái thân thể đó lúc bấy giờ không chỉ là một thể xác đàn bà. Nó trở thành cả một thế giới mở ra cho riêng tôi.

Bây giờ tôi chắc chắn, Huyền và tôi chung nhau nhiều hơn là những thói quen thời gian đem đến và cái tình nghĩa giữa bố và mẹ của cùng những đứa con. Vì lẽ gì mà tôi đã quên đi cả một sự thật ? Là Huyền không thể thiếu trong đời sống của tôi. Vì nàng giữ một phần quý giá của quá khứ tôi, một phần ở trung tâm của hiện tại tôi, một phần không thể thiếu cho tương lai tôi. Huyền là người đồng hành trên một đoạn đường dài tôi đã đi qua. Và chỉ có Huyền, không ai khác, mới có thể là người đồng hành đi với tôi hết đoạn đường còn lại. Tại sao phải đợi đến khi một quá khứ xa xôi trở về tôi mới chịu mở mắt ?

Tôi sẽ nhường đủ chỗ cho không gian riêng tư của Huyền. Bây giờ tôi biết, cuộc sống của mình tùy thuộc vào hạnh phúc của Huyền ở đó.

Bảo :

Huyền đề nghị tôi đổi vé máy bay, ở Paris thêm vài ngày chờ cuộc triển lãm lớn về tranh của Claude Monet3. Khang thì phác thảo một chương trình 2 ngày đi chơi vùng Bretagne. Tôi lắc đầu : Qua Ý chậm vài ngày có thể hụt coi cảnh dân Ý theo gương dân Tunisia, xuống đường lật đổ Berlusconi, tên hề không còn làm ai cười.

Những ngày vừa qua thật vui. Tôi thấy nóng lại một tình bạn đẩy lùi được quên lãng. Tôi khám phá một sự gần gủi mới với Khang và Huyền. Ba người đã tìm lại được nhau ở cái tuổi nhẹ những chờ đợi và đòi hỏi hão huyền. Chẳng xảy ra ở ai một đứt đoạn hay một xáo trộn nào. Chỉ có hội tụ của những niềm vui nhỏ. Nhưng chúng đã cho tôi một cái nhìn lạc quan hơn về khả năng thông cảm giữa những con người cá thể. Chúng đã tiếp thêm sinh khí vào những quyết tâm tôi có. Chỉ vậy thôi cũng đã nhiều hơn những gì tôi chờ đợi.

Tình bạn của Huyền sẽ sâu bền hơn một tình yêu tuổi trẻ. Khang và tôi đã hiểu rằng những khác biệt giữa hai cá tính và giữa hai thái độ sống có thể làm giàu một mối quan hệ. Và bây giờ tôi ý thức được rõ một điều. Gặp Khang và Huyền là một may mắn lớn trong đời tôi.

*

 

Buổi tối cuối cùng, Bảo mời vợ chồng Khang Huyền ở một tiệm ăn Thái Lan nổi tiếng tại Paris. Huyền nhắc lại ngày trước ở tiệm này, khi Bảo đưa chìa khóa cho nhân viên của tiệm đi cất xe, anh nhịn cười, dặn dò họ kiên nhẫn khi rồ máy chiếc Renault 4L hay bày trò. Rồi vẫn cái thói quen của ba người, cứ vào chỗ sang trọng là họ lại thích chọc phá nhau, đùa giỡn như ở một tiệm phở phố Tàu. Đề tài thảo luận chính lần này là tương lai của Bảo.

Huyền : Bác Bảo ơi, tuổi bác bây giờ hơi bị nhiều. Bác phải tìm người chung chăn chung chiếu cho xong đi.

Bảo : Hoàn toàn nhất trí với Huyền ! Tôi chán lắm rồi cái cảnh một mình quét nhà, giặt ủi quần áo, tính toán tiền chợ.

Khang : Này Bảo, tao đã suy đi nghĩ lại từ mấy ngày nay. Tao có một mối cho mày. Trúng bốc cái mày cần, không chạy đâu được ! Đó là cô Duyên. Huyền còn nhớ cô Duyên không ?

Huyền : Cái Duyên ở Hà Nội ấy hả ? Ấy chết, xin lỗi ! Phải nói cô Duyên nữ đại gia. Có chiếc xe Citroën Traction thời thuộc địa, đen bóng và nệm trắng tinh thật quý phái. Dân đẳng cấp đấy, anh Bảo à ! Thằng chồng làm khá lớn trong chính quyền. Nhưng nó có quyền lực đến đâu đi nữa cô vẫn ly dị, khi thấy nó không cùng trình độ văn hóa với mình.

Khang : Huyền chưa chi đã lấy chuyện trình độ ra dọa. Mà Bảo nhà ta thì sợ gì mấy đồ văn hóa trí thức này nọ ! Mày có cả một tủ sách trong đầu, tiếng Mỹ tiếng Tây lại trực sẵn ở đầu lưỡi. Nhưng cô Duyên này thực chất là một con người giản dị, dù phải công nhận là cá tính hơi quá mạnh. Cô ta làm sao chịu nổi hạng đàn ông thô lỗ, coi thường đàn bà, chỉ biết nhậu nhẹt chơi bời. Bảo à, tao thấy mày, tuy tật xấu kể ra không hết, nhưng đủ khả năng là người đàn ông lý tưởng Duyên mơ ước.

Bảo : Mày kinh doanh giỏi nên chắc làm ông mai cũng mát tay. Nhưng Duyên của tôi tuổi gì ? Cần hỏi thầy bói xem các sao có hợp với tuổi Sửu không. Người yêu của tôi xinh đẹp duyên dáng ra sao ? Con cái nhà ai ? Có bằng tiến sĩ nào không ?

Huyền : Tuổi thì chắc Duyên không kém anh đến 2 giáp đâu. Em này trông được lắm ! Có sửa vài chỗ, nhưng là thẩm mỹ đắt tiền nên không chê vào đâu được. Gái hai con vẫn làm mòn con mắt đàn ông. Lấy cô ấy thì nhà cửa không thiếu. Mình khỏi lo phá quỹ tiết kiệm dành cho tuổi hưu.

Bảo : Nhưng nếu vợ tương lai không chịu theo tôi về Mỹ thì sao ? Phía tôi cần một thời gian may ra mới sống được ở Việt Nam. Mới dám chạy xe gắn máy, không sợ ngồi nhậu ở vỉa hè, nói được thứ tiếng Việt của mọi người bây giờ. Trong khi ở bên ấy thiên hạ đang sống vội, ai mà có thì giờ chờ tên Việt kiều này hòa nhập !

Khang : Mày cứ vô tư đi ! Mình sẽ từng bước nhập cư. Bắt đầu bằng những chuyến du lịch đều đặn. Cái tiện là cô Duyên này có mấy cái resorts chỗ này chỗ kia, mình sẽ đến ở miễn phí. Trong một khung cảnh thần tiên, cặp uyên ương tha hồ tìm hiểu nhau. Trên bãi cát trắng, dưới gốc cây dừa xanh, vừa uống cốc-tai vàng đỏ vừa ngắm mặt trời lúc vẫy chào tạm biệt...

Huyền : Anh Khang coi quá nhiều phim tập Hàn quốc trên ti-vi trong nước ! Thôi lãng mạn đi. Tất cả vấn đề là anh Bảo có chịu hạnh phúc hay không. Theo em, chuyện dẫn anh Bảo lên xe hoa phải được tiến hành như một đề án hết sức quan trọng. Ba chúng ta phải tập trung lại mọi nỗ lực. Hạ quyết tâm không để lỡ một thời cơ bằng vàng. Bằng vàng, các anh biết không ! Sao lại cười ? Thôi rồi, hai bác lại nghĩ tới vàng bạc của người đẹp !

Và cứ thế bữa ăn không ngừng bày ra những trận cười, làm họ quên cả thưởng thức những món đặc sản xứ Xiêm. Kết thúc là một cuộc hẹn ở Hà Nội trong vài tháng nữa.

 

1Tổng thông Pháp từ 1981 đến 1995

2Académie de la bière, nhãn tự chọn của một số quán chuyên về bia

3Họa sĩ Pháp (1840-1926), đầu đàn của phái ấn tượng

2

© Vũ Hồi Nguyên, 2011