8.2006
LỜI GIỚI THIỆU TẬP TRUYỆN "MỘT ĐỘ KHÓC CƯỜI"


SÂM THƯƠNG

Cảm nhận đầu tiên của tôi, khi đọc xong tập truyện này, là nó quá lạ đối với độc giả ở Việt Nam. Có người sẽ không thích chút nào và có thể bị sốc. Thấy một tác giả mất gốc, những câu chuyện vô lý, những nhân vật khó gặp ở đời thật. Có người sẽ bị quyến rũ. Bởi sự pha trộn độc đáo giữa một chất liệu Việt không biết từ đâu và ở thời nào, và một chất liệu Pháp hiện đại.

Truyện của Vũ Hồi Nguyên hầu hết diễn ra tại thành phố Paris của nước Pháp. Một nơi rất xa Việt Nam, ở cách nửa vòng địa cầu và cả mấy chục năm phát triển. Paris của tác giả không là những thắng cảnh, khu phố, tên đường quen thuộc với du khách, như Louvre, Montmartre, đại lộ Champs-Elysées, vv… Nó là những con hẻm nhỏ đường còn lấp đá, những vùng ngoại ô ở tận đâu, và cái phố Tàu quận 13, chỗ tụ tập đông người Việt. Dĩ nhiên bối cảnh là một xã hội thừa thãi vật chất và ổn định từ lâu. Nhưng xã hội này không đầy đủ và đẹp đẽ như có lẽ nhiều độc giả chờ đợi. Vẫn có những kẻ ăn mày ngủ ngoài đường. Vẫn có cái sợ bom nổ giữa đám đông. Hạnh phúc vẫn còn là một tìm kiếm. Hình ảnh nước Pháp của tác giả là một nền văn minh phục vụ hoàn toàn sự tiêu thụ hàng hóa. Một xã hội đã thu nhỏ những con người cá nhân, làm lỏng dần những quan hệ người với người, ngày càng đẩy người ta vào những cuộc độc hành cô đơn.

Không phải chỉ có bối cảnh xa lạ. Khi thấy những nhân vật là người Việt, tôi đã hy vọng sẽ được biết một cái nhìn của người Việt về xã hội Tây phương. Một cái nhìn của kẻ đến từ nước tôi, mang cùng một văn hóa với mình, bây giờ sống hàng ngày giữa cái xã hội ấy. Nhưng không, cái nhìn của Vũ Hồi Nguyên không còn là một cái nhìn thuần túy Việt Nam. Cần biết tác giả đã rời quê hương từ những năm còn chiến tranh, sau khi học hết trung học ở một trường Pháp tại Sàigòn. Thời gian anh sống ở nước ngoài đã dài hơn những năm lớn lên ở miền Nam. Có lẽ anh như cô Mân trong Lạc Mùa, bây giờ thấm nhuần văn hóa Tây phương nhiều hơn văn hóa của quê cha đất tổ. Mân không nhớ nổi một đoạn thơ Kiều, nhưng chắc nàng thuộc lòng thơ của Aragon và René Char. Đến từ ngữ của tác giả cũng có phần cũ xưa, thỉnh thoảng có những từ không còn thông dụng ngày hôm nay.

Vậy khác gì đọc một nhà văn ngoại quốc ? Việt Nam ở đâu trong những truyện ngắn này ? Lại thêm một cái lạ, người đọc cảm thấy Việt Nam không bao giờ hoàn toàn vắng mặt. Một Việt Nam không ngừng ở quá khứ chiến tranh, như thường thấy trong văn chương người Việt di tản. Trong cả cuốn sách chỉ có một truyện nói về chiến tranh. Những thảm họa và giai đoạn đen tối của đất nước sau đó thì được nhắc lại chỗ này chỗ kia, qua hành trình của những cá nhân. Nhưng Việt Nam của Vũ Hồi Nguyên đã bị thời gian tách rời dần khỏi thực tế. Có lúc chỉ còn lại là « một ký ức, một nơi cất giữ tuổi trẻ, những giấc mơ, và vết tích của một lý tưởng » (Lời Nói Một Buổi Chiều). Những lúc đó, cái cộng đồng người Việt ở gần không thể nào lấp được khoảng trống. Ở chỗ này, tôi ngạc nhiên một lần nữa, thấy tác giả chẳng gắn bó gì lắm với cộng đồng của mình, coi cộng đồng không hơn « một hội chợ làng cố tìm nhộn nhịp trong cái nhỏ xíu của nó » (Giao Tuyến). Thật ra, đối với tác giả, những nơi tụ tập người đồng hương thường là môi trường của những ganh đua phù phiếm. Tình cảm của anh hướng về những cá nhân sống lẻ loi ở ngoài cộng đồng, như cô gái của tòa nhà cao tầng trong Một Độ Khóc Cười, cứ mơ mãi ngày trở về cái thôn nghèo của mình. Tôi dám khẳng định, dù mờ nhạt đến đâu đi nữa, quê hương Việt Nam vẫn là câu chuyện tình chảy xuyên suốt các truyện của Vũ Hồi Nguyên.

Cuối cùng, cái lạ còn ở chỗ 10 truyện ngắn ở đây không thuần nhất về thể loại. Những độc thoại dài nằm cạnh những hình thức truyện bất ngờ. Với Án Mạng Dưới Chân Tháp Eiffel, tác giả không ngại nhại theo những bản đúc của thể loại thriller Mỹ đầy ắp trong điện ảnh ti-vi. Những Vùng Hoang làm nghĩ tới một thế giới giả tưởng, không biết ở thời nhân loại khai sinh hay ở gần ngày tận thế. Thể loại chuyện kể cho nhi đồng được dùng cho Hạnh Phúc Là Cùng. Giao Tuyến là những hình tượng vẽ về những thế giới nội tâm.


*

Tuy nhiên, ở lâu trong tôi không phải là những cái lạ vừa kể. Mà là những nhân vật cứ loay hoay mãi chưa tìm được một cách sống. Bám theo tôi không phải là những bức tranh mô tả xã hội Pháp hay cộng đồng người Việt ở đó. Mà là những khuôn mặt cá nhân, những thân phận riêng lẻ, những câu chuyện của chỉ một người.

Một người đàn ông hay một người đàn bà vô danh, không anh hùng (theo nghĩa « anti-heros » trong văn học Tây phương), cũng không tiểu nhân và bất lương hơn ai, thu hút người đọc ở chính chỗ không hoàn hảo của mình. Những nhân vật của Vũ Hồi Nguyên phức tạp, có mặt đẹp mặt xấu, nét cứng mạnh nét yếu hèn, do vậy vừa đáng ghét vừa đáng thương. Trong Trắng Xóa, ngay thái độ của người kể chuyện đối với hai nhân vật chính còn khi thế này, khi thế nọ. Đầu truyện là một cái nhìn đầy ác cảm và khinh miệt, cuối truyện lại là một cái nhìn trìu mến với ít nhiều ghen tị. Có lẽ sự phức tạp của con người ám ảnh tác giả đến độ, trong Những Vùng Hoang, anh lại xóa nó đi một cách triệt để, đưa ra ba nhân vật biếm họa, thô sơ tới mức gần thú hơn gần người. Vũ Hồi Nguyên vẽ những cá nhân quá nhỏ bé so với những ước vọng họ muốn đạt, mong manh hơn cả những tình thương họ muốn trao. Chính vậy mà họ lại đầy nhân tính, gần gủi và quyến rũ người đọc. Và rõ ràng tác giả dành thiện cảm cho những cá nhân ở thấp trên bậc thang xã hội, và những kẻ bất hạnh thiếu may mắn.

Phải công nhận có nhiều nhân vật khác người. Không hiểu Mân trong Lạc Mùa còn điên hay không. Diễm của Bóng Ngược Đời chẳng làm gì giống ai, những giá trị của cô không dính dáng gì tới những giá trị của xã hội. Gã nhà văn cô gặp không bình thường hơn, hắn chỉ biết sống với những con người tưởng tượng của hắn. Nét chung của các cá nhân trong tập truyện là họ đứng ở ngoài xã hội của mọi người. Vì số phận, nhiều hơn vì chọn lựa. Vì một cảm nhận khác biệt về cuộc sống, nhiều hơn vì một ý muốn nổi loạn, hay một nhu cầu tự do quá khích. Cô đơn trở thành một thân phận. Những cuộc gặp gỡ ở đây xảy ra giữa những cá nhân vẫn còn một mình lang thang tìm chỗ trú thân. Hạnh phúc không chừng ở ngoài tầm tay. Dù chỉ là hạnh phúc của một cuộc sống ổn định. Những kẻ này mơ ước được giống thiên hạ đấy chứ, để « bắt kịp cuộc chạy đua về hạnh phúc » (Lời Nói Một Buổi Chiều), để « trao hết cái bình thường của mình cho người yêu » (Lạc Mùa), để « thoát khỏi cái góc đời đặt sẵn cho mỗi người » (Trắng Xóa). Có ai không muốn được yên thân, hưởng những niềm vui giản dị, chia sẻ những tình thương an toàn ? Người đàn ông trong Giao Tuyến cố gắng đi đứng như thiên hạ đấy chứ, nhưng « chính những lúc đó, cái khác người của anh nổi bật, không biết đáng phục hay đáng tội nghiệp ».

Thế mà những thân phận hẩm hiu không làm những trang viết đen xám, nặng nề bi quan. Ngược lại, như khi đọc Hạnh Phúc Là Cùng, người ta cười nhiều hơn là xót xa cho những giọt nước mắt của cô Thiên Thiên. Ai không muốn nghe những bất hạnh của Thúy trong Lời Nói Một Buổi Chiều thì cứ vào Án Mạng Dưới Chân Tháp Eiffel, để mình trôi theo loạt cảnh khôi hài của một tác giả nghịch ngợm, đùa giỡn, phá phách không ngừng. Thật ra chẳng có gì quan trọng đến nỗi phải tuyệt vọng. Khóc lúc này thì phải cười lúc khác. Biết đâu không là một cách thở. Ngay cả những thái độ nghiêm nghị nhất và những cái nhìn đạo đức nhất của thiên hạ cũng nên bóp méo một chút cho vui, có sao đâu. Hãy cất lên một tiếng cười thật lớn, cười thiên hạ, cười mình, cười cái ông Trời vụng tay trong việc tạo nắn những thằng người. Chắc Vũ Hồi Nguyên cũng biết viết trào phúng rất nguy hiểm, và hài hước không được trọng lắm trong các loại văn chương. Tôi nghĩ có lẽ những cái cười của tác giả nhằm tăng khoảng cách giữa mọi chuyện và chính mình, đồng thời mở rộng tự do cho ngòi bút.


*

Ở bên ngoài những cái khung và phép tắc của xã hội, câu chuyện giữa một người đàn ông và một người đàn bà là một lần gặp gỡ tình cờ và ngắn ngủi của hai hành trình riêng biệt. Tình yêu trong thế giới của Vũ Hồi Nguyên như vậy, vô thường, không thể biến thành một hạnh phúc lâu dài, một cuộc chung sống bằng lòng với những nhân nhượng và thói quen. Mỗi người đến cuộc gặp gỡ với tất cả quá khứ và những chờ đợi của mình. Làm như lúc nào cũng có gì muộn màng, đã lỡ. Chưa kể cái sợ mình sẽ thất vọng, sẽ phí phạm tình cảm, sẽ có ngày mất. Không biết từ hồi nào những lời nói đã nghèo nàn, què quặt, chỉ chực phản bội. Không biết bao nhiêu lần những cử chỉ yêu đương đã lập lại đến mòn nghĩa. Nhưng mỗi lần lại thấy cô đơn đã cùng cực, lại muốn khám phá cho bằng được cả một thế giới mới lạ, lại nghĩ đó là cơ hội cuối cùng. Tình yêu lúc ấy không thể nhẹ nhàng, lãng mạn, kiên nhẫn. Nó từ chối mọi sự bình thường, bất cần sự sáng suốt thận trọng, ra ngoài mọi cân nhắc cho-nhận hay thắng-thua. Những vết tích sẽ tồn tại thật lâu sau ngày xa cách, mãi mãi không chừng.

Tình yêu trong truyện của Vũ Hồi Nguyên luôn luôn có chỗ cho tính dục. Tính dục thay thế cái nghèo nàn của ngôn ngữ yêu đương. Nó làm chỗ bám víu cho kẻ hoang mang giữa sương mù của những tình cảm. Nó thể hiện đòi hỏi tuyệt đối trong tham vọng hòa nhập của hai tình nhân. Phải công nhận, mặc dù không cần những cảnh tượng cường điệu và từ ngữ thô tục, những đoạn ái ân ở đây thực sự gợi dục. Tôi được biết có lần truyện của tác giả đăng trong một tạp chí tại Pháp đã bị một lá thư bạn đọc phản ứng mạnh mẽ vì đoạn tính dục của nó. Tôi không nghĩ tác giả tìm cách câu người đọc hay khiếu khích. Có lẽ nên hiểu rằng tính dục ít nhất cũng là một chiều kích không thể thiếu trong quan hệ giữa hai tình nhân. Do đó bất cứ nhà văn nào cũng phải vận dụng tài năng để cho nó một chỗ xứng đáng trong tác phẩm của mình.


*

Truyện ngắn của Vũ Hồi Nguyên thường không đủ dài. Quá ngắn đối với những nội dung nó mang đến. Quá ngắn đối với cả một thân phận đi qua con mắt người đọc. Mỗi lần là một câu chuyện bỏ dở. Kết cuộc vừa chưa đủ hậu, vừa dấy lên một hy vọng cho về sau. Người đọc lại muốn đọc thêm, vì đã chót nhận ra tình người thấp thoáng ở mỗi truyện. Dù con người ở đây chỉ nhỏ bé tầm thường.

Một Độ Khóc Cười là một tập truyện đầu tay. Vậy mà tác giả không chọn những con đường dễ đi, dám chui vào cả những ngõ ngách của nội tâm. Tác giả làm ra vẻ thích vui đùa giễu cợt, nhưng tôi đoán sáng tác ở anh không là một trò giải trí. Người ta có cảm tưởng nhiều đoạn nhiều câu được gọt dũa công phu. Để diễn tả cho hết một cái nhìn vào chiều sâu của cuộc sống và con người. Chiều sâu của những kinh nghiệm khổ đau, ở những cá nhân đứng ngoài đám đông và ở chính tác giả.

Tôi mong độc giả ở Việt Nam chấp nhận phần văn hóa nước ngoài trong tác phẩm của Vũ Hồi Nguyên. Nó cho thêm một góc nhìn về những nội dung chung của mọi nền văn chương, vẫn chỉ khởi đi từ những khóc cười của con người.