5.2008
VỀ CÁC "CA KHÚC DA VÀNG" CỦA TRỊNH CÔNG SƠN

   ( Bài giới thiệu phần Ca Khúc Da Vàng trong đêm "Trên Đồi Quê Hương" do Hội Văn hóa Trịnh Công Sơn tổ chức ở Paris ngày 24.5.2008 )
Thưa các bác, các anh chị, các bạn,

Các Ca Khúc Da Vàng được sáng tác trong giai đoạn 1966-1972, với khoảng 60 bài hát. Những năm ấy, đất nước chìm trong bạo động và hận thù. Bước chân Trịnh Công Sơn lang thang giữa những cảnh tàn phá kinh hoàng của bom đạn. Nhạc của anh muốn đón nhận và lượm nhặt tất cả những nỗi đau của một dân tộc không có được một ngày bình yên. Tiếng hát của anh cất lên từ biết bao nhiêu mất mát của những nạn nhân vô danh, những thân phận quá nhỏ bé trong một thảm kịch của lịch sử.

Các Ca Khúc Da Vàng bắt đầu xuất hiện ở những lần người nhạc sĩ, với cây đàn thùng và cô ca sĩ chân đất, hát trên một bục gỗ thô sơ trong khuôn viên đại học. Trước số khán giả ngày càng đông, các bài hát cứ theo nhau đưa từ các vùng khói lửa về thành phố tất cả sự thật của chiến tranh : những xác chết, những thôn làng cháy tàn, những tiếng hét tiếng khóc, những mảnh đời bị vò nhàu. Rồi sau đó, qua các băng ghi âm và các bản chép nhạc truyền tay, Ca Khúc Da Vàng lan dần vào tâm khảm của quần chúng.

Ngoài ý muốn của hai phe đối nghịch, cả một lớp thanh niên thành thị ở miền Nam lúc đó đã đến với các Ca Khúc Da Vàng, như muốn mở to mắt để ý thức đầy đủ về thực trạng bi thảm của quê hương. Và những lời nhạc của Trịnh Công Sơn đã nói thay cho họ nỗi xót thương đồng bào của mình, và lòng phẫn uất trước những tang tóc kéo dài.

Thời đó đã qua rồi. Nó xa dần trong trí nhớ của những người trong cuộc. Nó không có trong cuộc đời của thế hệ đến sau. Và không chừng thời đó khó tưởng tượng nổi bây giờ, tại một nước Việt Nam đang đầy sức sống.

Vậy tại sao đêm hôm nay, và tại thành phố Paris này, ở rất xa thời gian và không gian của cuộc chiến tranh đó, chúng tôi lại chọn trình bày những Ca Khúc Da Vàng ? Tại sao chúng tôi lại muốn trở về giai đoạn dấn thân nhất của Trịnh Công Sơn, với những tác phẩm không được sự đồng thuận như các bản tình ca của anh ?

Nguyên nhân đầu tiên là đã đến lúc các Ca Khúc Da Vàng phải được chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Chuyện không bình thường là ngày hôm nay những bài hát này vẫn chưa được phổ biến một cách dễ dàng và đầy đủ. Nhiều người tiếp tục không chấp nhận dòng nhạc phản chiến Việt Nam duy nhất cho tới bây giờ. Vì dòng nhạc này từ chối đứng vào một hàng ngũ chính trị, mà chỉ chọn đứng về phe tất cả những kẻ nạn nhân. Nó đi ra ngoài mọi thái độ chính trị, để thuần túy là một tiếng nói chứng thực, và biểu lộ của tình thương dân tộc. Chúng tôi nghĩ chính vì vậy mà tầm quan trọng của các Ca Khúc Da Vàng trong tác phẩm của Trịnh Công Sơn phải được nhìn nhận.

Mặt khác, khoảng cách thời gian đã đủ để những căm hờn nguôi đi, những vết thương lành lại, và những cái nhìn độ lượng hơn. Khoảng cách đã đủ để chúng ta có thể trân trọng đưa một đoạn sử bi tráng vào ký ức của dân tộc. Những đau thương bất hạnh đã qua phải trở thành kinh nghiệm chung cho mọi người Việt Nam. Ở bất cứ chỗ đứng nào. Thuộc bất cứ thế hệ nào.

Thời của các Ca Khúc Da Vàng có xa đến đâu đi nữa thì chúng ta cũng không được quyền quên đi những nhân mạng đã hy sinh, những cuộc đời đã bị phá, những sai lầm phí phạm đã phải trả giá quá đắt. Ở đây, không quên là bổn phận của những người tiếp tục sống và hướng về tương lai. Không quên là bổn phận của tuổi trẻ đối với thế hệ đi trước không được may mắn bằng mình. Và chỉ không quên mới đáp ứng được một đòi hỏi công bằng.

Tại sao nhắc lại cuốc chiến đã chia rẽ sâu nặng những người Việt Nam với nhau ? Cũng là để cùng nhau suy nghĩ về sức hủy diệt vô lường của chiến tranh, vòng xoáy của hận thù, và những hậu quả ghê gớm đã làm tê liệt đầu óc và con tim của biết bao nhiêu người, và làm trì trệ sự hồi phục của đất nước. Hãy giữ cuộc nội chiến trong trí nhớ của mỗi người, để nhắc nhở nhau một điều : sau cuộc nội chiến đó, giữa người Việt Nam chúng ta, chẳng ai có quyền nói mình thắng, và chẳng ai phải chịu làm kẻ thua. Các Ca Khúc Da Vàng khi đó sẽ là tiếng hát cho một cuộc hội ngộ.

Thưa các bác, các anh chị, các bạn,

Ước mong của chúng tôi đêm nay là sau khi nghe những Ca Khúc Da Vàng, chúng ta sẽ đến với nhau bằng nụ cười, và gần gũi nhau hơn nhờ một chút đồng cảm. Có lẽ đó cũng là ước mong của Trịnh Công Sơn.