8.2004
MỖI NGƯỜI MỘT MIỀN ĐẤT HỨA

   ( Tạp văn, đăng trên báo Diễn Đàn -Paris- số 9/2004 )
Mùa hè vừa qua, có lần tôi từ Sàigòn ra Vũng Tàu bằng chiếc tàu tốc hành Vina Express. Chỉ về sau mới biết những con tàu này không phải lúc nào cũng được bảo trì tốt, đã có một vụ tàu bị ngập nước, suýt gây tai nạn lớn. Tàu không có boong đứng, đường lại dài hơn một giờ, cả phòng ngồi chỉ có một màn ảnh ti-vi khi chạy khi không, tôi đành ngồi quan sát những kẻ đồng hành. Khách đông, gần một nửa là tây ba-lô, du khách Á đông và Việt kiều, quần cụt, giầy thể thao trắng toát, máy hình kỹ thuật số, túi chuối trước bụng, vài bị đồ golf cho một cuối tuần ra biển.

Cái tò mò của tôi dần dần tập trung vào cặp tình nhân ngồi trước mặt. Rõ ràng họ mới quen nhau, chưa thân mật, thiếu tự nhiên. Người phụ nữ tuổi chừng hai mươi, quần áo mới tinh nhưng khác thời trang thành thị, lích kích vòng nhẫn như trưng diện cho một dịp trọng đại. Người đàn ông khoảng năm mươi, tôi đoán là người Trung quốc hoặc Đài Loan. Cũng quần áo thẳng nếp chưa từng giặt, cũng cái vẻ đến từ một vùng nông thôn nào đó. Thật dễ đoán. Mấy hôm trước, tôi đã đọc những bài báo nói về một hiện tượng xã hội. Có cả một phong trào phụ nữ ở nông thôn lên Hà Nội hay Sàigòn ghi tên thi tuyển để lấy chồng ngoại quốc, phần lớn là những ông chồng người Hoa. Có những con số, tỷ lệ, hình ảnh một vài cô buồn bã vì thất cử, bài phỏng vấn một nhà xã hội học nghiên cứu về hiện tượng. Báo chí cũng đã nói đến cái thôn có gần nửa số phụ nữ lấy chồng nước ngoài, hay cái đám cưới bị chính quyền địa phương từ chối vì cô dâu 18 lấy chồng Đài Loan đã hơn 70. Một hiện tượng không riêng của Việt Nam. Ở Nga, Đông Âu hay các nước chưa phát triển chắc cũng vậy thôi. Mà chuyện này nào có mới đối với riêng tôi. Lần về trước đây, tôi đã quen một người đàn bà giàu sụ nhờ tiệm bán áo cưới, nơi đó xe ca đổ xuống từng đoàn khách Trung quốc chọn những bộ áo hàng triệu đồng. Như vậy, ngồi trước mặt tôi, trên chuyến tàu muốn rút ngắn thời gian, là một cặp vợ chồng sắp cưới, cần một vài ngày thử nghiệm trước khi quyết định, hoặc họ vừa mới cưới, cần một cuối tuần trăng mật cho trọn gói dịch vụ.

Người đàn ông và cô gái thỉnh thoảng cho nhau một nụ cười. Đừng nói nụ cười gắng gượng, nó thể hiện một thiện chí. Người đàn ông không thiếu một vài cử chỉ ân cần, nhường lại cả chai nước thoáng mỗi hành khách được tặng. Cô gái có lúc chỉ chỏ về phía bờ hiện lên mờ mờ qua cửa sổ kính, như muốn giới thiệu cho người yêu cái đẹp của quê hương mình, một mảnh đất sẽ không giữ được cô ở lại. Đến khi họ phải làm dấu bằng tay tôi mới nhớ hai người không có một ngôn ngữ nào để trao đổi với nhau. Từ đó tôi tưởng tượng, khi đôi mắt cô gái không còn ai theo dõi, chúng sẽ không được vui như cái tương lai cô đã chọn, và chúng sẽ để lộ những lo âu vì miền đất hứa còn xa vời vợi. Chẳng lẽ tôi muốn người phụ nữ ấy tiếp tục dầm mưa dải nắng, còng lưng nhặt mạ trên một thửa ruộng không đủ cho một máy cày ? Một câu chuyện không mới lạ, có thể giải thích dễ dàng, vậy mà khi tôi được nhìn tận mắt, nó đã trở thành một hình ảnh đậm nét hơn những tòa nhà cao tầng, những trung tâm thương mại mới toanh, những chiếc xe hơi ngày càng nhiều và biết bao hình ảnh khác của một đất nước đang đổi da.

Có lẽ thực tế Việt Nam còn nằm trong những tham vọng và ước mơ của những con người cá nhân. Đã qua hẳn cái thời tương lai của nhiều gia đình không xa hơn cái ngày sẽ nhận được thùng đồ từ nước ngoài gửi về. Ở nhiều người bây giờ đã có những dự án dài hạn cho một cuộc sống đang từng bước ổn định. Tôi thích được nghe những dự án mua xây nhà mới, đa dạng hóa lối sống, đi du lịch đây đó. Tôi thích được nghe những tham vọng dù quá đáng của lớp trẻ tham lam những kỹ thuật hiện đại. Nhưng, giữa biết bao ham muốn vội vã làm giàu và những nét văn minh dỏm, tôi phải tin rằng sẽ có ngày cha mẹ gửi con đi nước ngoài không chỉ để thoát khỏi một nền giáo dục đang xuống cấp trầm trọng, hay để có một đầu cầu cho những tính toán làm ăn lặt vặt ở nước ngoài