Bóng Ngược Đời

Nắng hè nhày nhụa khắp khu phố Tàu ở quận 13 Paris. Sau cái nhộn nhịp của buổi trưa, khu phố uể oải bước vào chiều. Tiệm phở đã hết khách từ lâu. Chỉ còn bà cụ già và gã thanh niên hầu bàn ngồi chờ tối.

*

Cậu biết không, đời con Diễm không có hạnh phúc, tôi đâu nỡ lòng nào trách móc nó. Nhưng người ta có khổ là do hoàn cảnh. Nó thì khác. Chẳng có gì bắt buộc nó sống như vậy, cứ tự mình lao vào những hoàn cảnh oái oăm. Tôi có cảm tưởng cái khổ của nó do chính nó gây ra.

Ðời thuở nào đàn bà chỉ muốn có con mà không muốn có chồng! Nào phải bố thằng cu Sơn không chịu nhận con. Trái lại, khi biết con Diễm có thai, thằng Trường tìm mọi cách làm lành, đòi cưới nó, nó không chịu. Con nhỏ còn quyết tâm bỏ thằng này hơn trước nữa là đằng khác. Chuyện khó tin nhưng có thật đấy, cậu ạ. Thằng Trường, sau khi thuyết phục cô nàng không được, chạy nhờ một vài người nói giúp vào. Hắn nhờ cả tôi. Trời Phật có thể làm chứng, tôi đã tìm mọi cách. Kể cả dọa cái con cứng đầu. Thiên hạ sẽ nhìn cháu như một đứa đàn bà chửa hoang, bị đàn ông lừa. Gia đình cháu sẽ bị tai tiếng suốt đời. Cậu biết Diễm nó trả lời tôi như thế nào không? "Bà đừng lo, cháu đã suy nghĩ kỹ. Có con lúc này là ý muốn của cháu. Nhưng anh Trường và cháu không thể nào tiếp tục sống với nhau. Vừa khổ cho cháu và cho anh ấy. Có thêm tờ giấy hôn thú cũng không thay đổi gì. Về sau này anh ấy giúp cháu chăm sóc thằng cu cũng được, không muốn cũng chẳng sao." Ðấy cậu coi, đầu óc cái Diễm chỉ toàn những ý nghĩ gàn dở như vậy. Năm ấy cô ả đã gần 30, đâu còn ở tuổi bốc đồng.

Có tiếng khóc đến từ cội nguồn của sự sống, làm cả trời đất đổi da, tìm lại hơi thở của thuở ban đầu.

Quả nhiên, thằng cu Sơn chưa đầy 3 tháng thì con Diễm dứt hẳn với thằng đàn ông đã sống với nó được gần 3 năm. Nó đi thuê nhà ở riêng, lấy cớ khu nhà thằng Trường ồn ào, đêm thằng Sơn không ngủ được. Cũng phải nói bố thằng bé được quyền thăm con bất cứ lúc nào. Hắn đến thường xuyên cho tới khi lấy vợ, khoảng 2 năm sau. Nghĩ lại cũng tiếc. Nếu hồi đó tụi nó lấy nhau thì chắc đời cái con này không đến nỗi lận đận. Dù sao thằng Trường cũng là kỹ sư hẳn hoi. Nhưng cậu ơi, hình như Diễm nó không sống cùng một thế giới với người đời.

Từ đó đến nay chị Diễm nhà ta vẫn trơ trọi một mình một con. Cậu đừng tưởng nó ế ẩm. Tôi biết rồi, cậu nghĩ đàn ông khi tìm vợ thường ngại phải rước về nhà con của người khác. Nhưng nói cho cậu nghe, có lần có cả một thằng Tây trắng nhà giàu đòi bỏ vợ con để cưới cô ta. Không, cái Diễm nó tiếp tục yêu đàn ông nhưng không thấy cần chồng. Theo tôi, con này nó sợ người khác can thiệp vào việc nuôi thằng cu Sơn. Con nhỏ tuổi Hợi, năm nay đã 36, vẫn còn nhan sắc, vậy mà cứ lôi thôi lếch thếch một mình với đứa con, cậu coi có chán không. Mỗi lần nó yêu ai, tôi đều nhắc, "chim khôn tìm đậu nhà quan, trai khôn tìm vợ gái ngoan tìm chồng". Nó lại triết lý dởm, "tình yêu và hôn nhân không dính dáng gì với nhau", "tình yêu không thể tồn tại với những thỏa hiệp hàng ngày trong quan hệ vợ chồng". Cái con kỳ quái này hay giáng vào đầu cậu những khẳng định điên khùng như vậy.

Cũng may, cái Diễm chăm sóc thằng cu Sơn khá chu đáo. Một mình nó vẫn lo được mọi công việc người ta thường phải hai người chia nhau làm. Những lúc duy nhất đầu óc chị ta chịu đậu xuống thực tế là những lúc tính toán cho thằng con. Thằng Sơn đòi gì được nấy, không thua kém gì ai. Tính tình mẹ thằng cu ghét yêu thất thường, tùy nắng tùy mưa. Thế mà làm như con Diễm si mê thằng bé từng ngày từng giờ, từng cử chỉ từng lời nói, không biết chán. Những lúc thằng Sơn hư, mẹ nó bảo như vậy là có một cá tính đầy hứa hẹn. Những lúc thằng Sơn hờn giận, mẹ nó như người gặp thảm họa. Thằng cu năm nay cũng phải 6 tuổi. Cái Diễm đùa nghịch suốt ngày với nó như một đứa nhỏ cùng tuổi, làm những trò chẳng ra nghĩa lý gì, nhìn chóng cả mặt. Mẹ gì mà không bao giờ biết nghiêm nghị với con, lấy uy quyền cho ra mẹ. Nhìn cảnh hai đứa tíu tít, phá phách với nhau thì cũng vui mắt, nhưng mỗi lần như vậy tôi lại nghĩ đến những gì chúng nó thiếu.

Cô nàng Diễm từ sớm đã là một vấn đề cho bố mẹ. Mẹ nó kể, mối tình đầu của con nhỏ là một thằng hướng đạo sinh ở cùng ngõ. Thằng này con nhà tử tế, thích hoạt động xã hội, đầu óc trong sạch, có khi còn cao thượng nữa là khác. Thế mà bố con Diễm, khi theo dõi nhật ký của con gái, chỉ có thể điên tiết lên mà thôi. Ông khám phá con ranh mới 15 tuổi đã trao mình trọn vẹn cho thằng đầu tiên nó gặp. Trong cuốn vở học trò của nó, con bé còn dám viết trắng trợn về những rạo rực của cái thân thể mới trổi dậy. Cậu coi có bỏ xừ người ta không chứ. Chỉ được một thời gian thì Diễm nó lại chán chính cái tốt lành của thằng con trai, cái tính hiền hậu không ăn nhằm gì đến tên thú rừng đoàn hướng đạo cho cậu ta.

Nếu mọi chuyện đều có thể xếp loại rõ ràng là thiện hay ác, thì thực tế hóa thành một tấm ảnh đen trắng, trong cặp mắt từ chối nhìn cái phức tạp của những màu sắc.

Chuyện gia đình con Diễm không giải thích được cuộc đời của nó sau này. Diễm là đứa thứ năm trong bảy đứa. Con gái đẹp nhất nhà, nhưng tính tình chẳng giống ai. Bố trước đây làm thầy giáo trung học ở Sàigòn. Mẹ có tiệm bán quần áo gần Ngã Sáu. Gia đình không giàu nhưng cũng không thiếu thốn. Thằng anh cả còn được đi du học ở Bỉ. Diễm nhà ta có ra sao cũng không thể đổ tội chiến tranh. Cô nương chưa bao giờ nhìn thấy tận mắt cảnh bom đạn chết chóc. Ngay cả mấy thằng thanh niên ở chung quanh nó cũng không đứa nào bị gọi quân dịch.

Khi giải phóng, ông bố chỉ đi học tập có mấy tuần. Trong những năm "nhân dân làm chủ tập thể", cả nước đói dài, vậy mà anh chị em nhà nó chưa bao giờ ăn bo bo. Thằng anh cả mỗi tháng đều gửi về một thùng đồ. Mấy đứa trong nhà bỏ học, bỏ việc làm cũng không sao. Con trai chỉ phải chạy bán thuốc Tây trong khi chờ nhận chiếc xe đạp Peugeot. Con gái thì ngồi cả chiều nhặt sạn trong gạo mốc, hay nằm dài ra đọc tiểu thuyết cũ, cho qua những tháng ngày nhem nhuốc. Bao nhiêu thảm họa xảy ra vào thời kỳ đó, nào là trại cải tạo, phân biệt lý lịch, nào là đi vùng kinh tế mới, vượt biên... Mình hết đánh tư sản mại bản lại đập Pol Pot, đỡ đòn Trung quốc. Nhưng gia đình con Diễm lúc nào cũng biết làm cho người ta quên mình đi, đứng được ở ngoài mọi biến cố, không ai bị chuyện gì cả. Còn là một trong những gia đình đầu tiên di tản qua Pháp bằng con đường chính thức.

Ngày hôm nay, bố mẹ anh em nó hội tụ gần đủ mọi người ở bên Pháp này. Ðứa đi làm công, đứa buôn bán, có cả bác sĩ trong nhà, bố mẹ ngồi hưởng tuổi già. Chỉ có cái Diễm là vẫn thiếu chồng, nghề nghiệp vững chắc cũng không, nhà cửa thì khỏi nói làm gì. Con nhỏ ở riêng đã lâu, ít khi có mặt ở những bữa họp gia đình, cho đến địa chỉ của nó không phải lúc nào ai cũng biết. Một năm chỉ vài ba lần nó ghé thăm bố mẹ hay các gia đình anh chị em nó. Ông bà ngoại thằng cu Sơn bao nhiêu lần đề nghị trông nom cháu, mẹ nó chỉ trả lời, "Cậu mợ cho con một thời gian. Khi nào đời sống ổn định, con sẽ gặp gia đình thường hơn."

Cái nhìn phê phán của xã hội len lỏi khắp nơi, vào cả gia đình là nơi chốn cuối cùng để trở về.

Không hiểu sao Diễm nó đến thăm một bà cụ già như tôi, chẳng có liên hệ họ hàng gì, còn nhiều hơn là đến những người ruột thịt của nó. Lâu lâu nó nhờ tôi giữ hộ thằng cu, có khi còn kéo theo cả thằng đàn ông nó đang yêu. Cái con trời đánh thánh vật này mỗi lần lại mang tới những quan niệm quái dị về cuộc đời, không để đầu óc tôi yên nghỉ tuổi già.

Cậu thử tưởng tượng, qua đây chưa đầy 2 năm con Diễm đã đi theo tụi Việt cộng bên này! Một đứa mới thoát ra khỏi chế độ Cộng sản lại đi chơi với bọn "Việt kiều yêu nước", có chết cha mồ tổ người ta không chứ. Tôi đã nói cậu, con này nó mát dây mà. Chắc cậu cũng đoán là vì tình yêu. Paris lớn như vậy, người mình ở rải rác, thế mà ông trời đã xếp đặt để thằng Trường và con Diễm gặp nhau ở ngoài đường, làm quen nhau ở giữa chợ. Cứ như trong phim Mỹ trên ti-vi vậy !

Kể thật thì cái thằng Trường này cũng khác mấy đồng chí của nó. Mấy đứa kia chúi đầu vào tìm chân lý trong các bài báo Nhân Dân, Tạp Chí Cộng Sản, mở mồm ra là chỉ biết nhai lại những luận điệu của chế độ. Thằng Trường thì không. Nó nói với con Diễm về chuyện công bằng xã hội. Nó nhìn người nghèo khổ như những kẻ bị tước đoạt nhân cách. Nó muốn con người được giải phóng khỏi một xã hội dựa trên sự bóc lột. Khi còn chiến tranh, thằng Trường đến với Việt cộng vì chống sự can thiệp của Mỹ. Khi hòa bình, nó muốn tham gia xây dựng một xã hội mới. Cậu mà nhắc đến những sai lầm tội ác của Ðảng, nó lại đổ lỗi cho cái chiến tranh quá khắc nghiệt và kéo dài. Dù sao đi nữa, niềm tin của nó không dựa vào thực tế Việt Nam, mà đến từ những lý thuyết chính trị thiên tả đọc được ở đây. Cái thằng này thuộc loại trí thức, có nhiều chữ nghĩa nên ăn nói dễ dàng, nhiều khi còn lôi cuốn. Một bà già như tôi luôn luôn phải coi chừng, không thì đồng ý với hắn lúc nào không hay. Ðã vậy, khi ngồi nghe hắn nói về những chuyện vô nhân của xã hội bên này, tôi còn nghĩ ở hắn cũng có một chút tình người. Cậu đừng tưởng, những đứa thiên tả đầu óc lệch lạc thật, nhưng trái tim không nhất thiết cũng hỏng theo.

Con Diễm đã sống 5-6 năm với Cộng sản, mới bước từ cái thực tế Việt Nam ra, đời nào bị thuyết phục bởi một thằng trí thức nằm ở Pháp đã gần 15 năm. Nhưng con nhỏ nó nhìn mọi chuyện đều khác người ta. Nó bị quyến rũ bởi cái bất mãn nổi loạn nằm sâu trong con người thằng Trường. Nó yêu chính cái thái độ từ chối thực tế, khi thực tế không vừa lòng mình, dẫn người ta mơ tưởng đến một cuộc thay đổi xã hội toàn diện. Cũng từ khi gặp thằng này, Diễm ta trong chuyện gì cũng chỉ trích cái trật tự ngày hôm nay, và chọn đứng về phía những kẻ yếu thế trong xã hội. Cô nàng còn nói, "Không phải là cháu có lòng nghĩa hiệp bênh kẻ yếu chống kẻ mạnh. Cháu không chấp nhận một xã hội chỉ phát triển được bằng cách hạ thấp con người, một trật tự chỉ nhằm bảo vệ một giai cấp." Cậu nghe có khiếp không !

Có một cái gì đẹp tuyệt vời ở trái tim còn phẫn nộ mỗi lần nhân phẩm bị coi thường, ở tri thức dành cho kẻ đồng loại, ở hành động không mưu lợi cho riêng mình.

Mới đầu con Diễm vừa theo thằng Trường đến những sinh hoạt của hội Việt cộng, vừa thỉnh thoảng đi về phía những đoàn thể Quốc gia. Nhưng những cuộc vận động kháng chiến, phục quốc xa lạ quá đối với nó. Không khí trong môi trường thân Cộng quen thuộc hơn, vì ở đó người ta dùng những khẩu hiệu ngôn ngữ giống như trong nước. Thực tế Việt Nam như được sao chép lại một phần nào ở đất này. Hội Việt kiều lúc đó tìm tranh thủ những người di tản mới qua. Ðể cho thấy sự ra đi của họ chỉ do những khó khăn kinh tế nhất thời. Cô Diễm được tiếp đón niềm nở, trở thành một thứ hiện tượng để biểu dương. Cô nàng được lên diễn đàn đại hội phát biểu tâm trạng của thành phần di tản. Trong gần 3 năm, Diễm nó hoạt động tích cực, có ngày đứng phát truyền đơn ở chợ, có đêm đi dán áp phích trên đường phố, múa hát trong những buổi văn nghệ, tham gia tổ chức các hội thảo, đêm Tết... Nó hăng hái đi quyên tiền cứu lụt và hạn hán, chống đói, xây đập thủy điện, mua công trái...

Khốn nỗi với cái tính của nó, chẳng bao giờ con nhỏ hòa mình vào được một tập thể nào. Nó hoạt động vì thằng Trường, cho tình yêu của nó. Có lúc nào cái Diễm chịu đứng hẳn vào một hàng ngũ, rập khuôn theo số đông đâu. Thêm vào đó, cái tập thể ở đây là của lớp người đã ổn định đời sống từ lâu và tụi trẻ lớn lên ở Pháp, không như trường hợp của Diễm này. Từ lối ăn mặc cho đến cách sống, cái Diễm gây ôi thôi là vấn đề cho người khác! Chẳng hạn như người ta thấy quần áo của nó quá diện, không thích hợp lắm với hoạt động cho cách mạng. Cái ý muốn hưởng đời ở nó hơi quá đáng trong giai đoạn đất nước còn khó khăn. Lúc đầu, sự khác biệt của cô di tản được chấp nhận trong cái nhìn rộng lượng, có cả chút thiện cảm. Phong trào như vậy mới đa dạng, đưa ra hình ảnh đoàn kết được nhiều thành phần khác nhau. Nhưng với thời gian, Diễm nó vẫn không gần gủi hơn với tập thể, khăng khăng giữ một cá tính ngày càng khó thông cảm. Con nhỏ lầm môi trường dần dần trở thành một cái mụn chướng mắt, một hạt sạn làm vướng bộ máy.

Những bóng người trông thật buồn tẻ khi mặc đồng phục rộng thùng thình của một đạo đức chung.

Không, chẳng ai định can thiệp vào đời sống tình cảm riêng tư của thằng Trường. Nhưng chỉ có hắn mới có thể thuyết phục con Diễm ngừng tạo khó khăn cho anh em, cho chuyện chung. Từ đó, mâu thuẫn giữa con Diễm và tập thể càng tăng thì quan hệ giữa nó và thằng Trường càng căng thẳng. Cũng tội thằng này, không biết làm gì để cứu vớt tình yêu của mình. Ðối với hắn, đoàn thể là gia đình, hoạt động chính trị là lẽ sống. Rồi con Diễm đi tới quyết định vừa bỏ tập thể, vừa bỏ người yêu. Tôi còn có cảm tưởng nó lấy dịp đẻ con như một cơ hội để bắt đầu một cuộc đời khác. Thằng Trường mất cả người yêu lẫn con, như thằng mất trí. Cũng may lúc đó bạn bè kéo nó vào cuộc tranh đấu đòi dân chủ, trong không khí đầy hứa hẹn của cái thời Liên-xô và Nguyễn Văn Linh hô hào chế độ Cộng sản tự đổi mới.

Tôi hỏi cậu, thằng Sơn bây giờ ở trường từ sáng tới chiều, mẹ nó phải đi kiếm một việc làm đàng hoàng chứ. Ai lại như con Diễm, cho tới nay chỉ toàn làm những nghề gì đâu, việc nào việc nấy chỉ kéo dài vài ba tháng, cùng lắm là một năm. Ừ thì cứ cho là sau những năm sống với Cộng sản, ngồi không mãi đầu óc nó mụ đi, không đi học lại được. Nhưng Diễm ta tuyệt đối không có một mảnh bằng nào cả. Ðến cái bằng lái xe cũng không. Lúc chưa có thằng Sơn, cô ả còn di chuyển bằng xe đạp giữa đường phố Paris, cứ tưởng còn ở Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa. Những đứa bạn gái cùng hoàn cảnh với nó đều đã có nghề ổn định, hay kiếm được một thằng chồng nó nuôi. Con này thì cứ chạy từ việc làm này qua việc làm khác. Nó lại còn đùa trên chuyện này, "Bà ơi, cháu chỉ có một nghề là phục vụ con người. Phục vụ từ bàn chân, qua dạ dầy, lên tới đầu. Hôm qua cháu bán giầy, hôm nay cháu hầu bàn tiệm cơm, ngày mai cháu giới thiệu sách từ điển bách khoa. Cháu còn bán cho người ta nhiều thứ hạnh phúc. Hạnh phúc với vé số lô-tô đủ để ngồi chờ một cuộc đổi đời. Hạnh phúc với nhà rộng xe sang cho thiên hạ thèm thuồng. Hạnh phúc với chuyến du lịch đưa đến những chân trời xa xôi để nhìn cảnh nghèo khổ chậm tiến. Ở xã hội này lúc nào cũng có thứ để bán và mua, từ những của cải vật chất đến những giấc mơ." Cậu nghe có lộn ruột không ! May cho nó là nhờ sắc đẹp và mồm mép, nó bán được bất cứ thứ gì, và chẳng bao giờ thất nghiệp lâu.

Cái Diễm không có những nhu cầu của người bình thường, tiêu xài chẳng giống ai. Tôi tới phòng nó, thấy thiếu đủ mọi thứ, đến cái ti-vi cũng không có. Vậy mà có chút lương là cô nàng mua đồ lung tung cho thằng nhỏ, và sắm cho mình những quần áo thật đắt tiền. Còn có lần cô ta gửi cả nửa tháng lương đi cứu trợ một xứ tây đen nào đó, ở tận đâu đâu. Phải nói cũng có lúc Diễm nó hụt tiền. Những lúc ấy nó lại tìm đến thằng anh cả làm bác sĩ, ra về với dăm ba ngàn quan mượn dài hạn, khi trả khi không. Cậu biết không, tôi không bao giờ hiểu con Diễm này quan niệm đồng tiền như thế nào. Nó không thuộc loại sống dựa vào vay nợ, thường kiếm được bao nhiêu thì xài bấy nhiêu. Nhưng nếu kẹt, nó chẳng hổ thẹn gì khi ngửa tay mượn tiền thằng anh. Ðối với cô ả, đồng tiền không xấu không tốt, không đáng chê nhưng cũng không quan trọng lắm.

Ở đời, ngoài hạnh phúc gia đình ra, người ta thường tìm cách cải tiến đời sống của mình và chỗ đứng trong xã hội. Và muốn khá lên, người ta phải tự so sánh mình với thiên hạ. Có ai như cô Diễm nhà ta, bằng lòng với cái thu nhập khi nhiều khi ít tùy mùa. Cậu đừng mất công hỏi nó có tham vọng nào không. Từ ngữ này hình như không có trong từ điển của nó. Nào có phải là một đứa an phận. Nhưng cô nàng năm này qua năm khác chẳng tiến chẳng lùi, cứ vùng vẫy ở một chỗ như cá trên thớt. Tôi nói cho cậu nghe, tất cả là do chỗ cái Diễm không bao giờ chịu nhìn người khác sống ra sao để theo. Nó làm như chỉ có một mình với thằng Sơn trên đời này thôi, cậu ạ.

Khi lấy xã hội làm tấm gương để soi mặt, có chắc gì nhìn thấy mình ở trong đó?

Con nhỏ như vậy đó, đời sống lang bang và đầu óc dị ngợm. Tôi đã đoán trước thể nào cũng có ngày Diễm ta rớt vào một chàng nghệ sĩ. Quả nhiên nó gặp thằng Vinh, một thằng nhà văn. Ðúng là duyên số đã định tụi nó phải gặp nhau. Nếu không, tại sao con Diễm một ngày tự nhiên đến tận nhà thằng này bán hợp đồng bảo hiểm tuổi già? Thật trớ trêu, con nhỏ sống bạt mạng như vậy lại đi khuyên người khác phải cẩn thận lo xa. Ðời sống thằng Vinh đã chằng chịt bảo hiểm, thế mà cô Diễm vẫn ngồi lại nhà nó cả chiều và ra về với một chồng sách thằng văn sĩ chọn cho. Mới gặp nhau, hai đứa đều tưởng đã chờ nhau cả kiếp rồi. Chẳng đứa nào muốn mất thì giờ tán tỉnh nhau cho đúng phép tắc. Quen nhau chỉ được một hai tháng là con Diễm dắt thằng cu Sơn đến nhà thằng này ở.

Thằng Vinh đã được một vài tiểu thuyết đăng báo hay ra sách ở quận Cam bên Mỹ. Truyện của hắn tôi đọc không được, dù có cố gắng nhiều lần. Ai lại đàn ông đàn bà yêu nhau như súc vật, sống cứ như muốn ăn thua đủ với cuộc đời. Nhưng Diễm nó khám phá trong thứ văn chương này một mảnh đất nó chưa tới. Trước kia thằng Trường hướng nó về những chuyện của đất nước, xã hội, quần chúng này giai cấp nọ. Bây giờ thằng Vinh dẫn nó vào nội tâm của những con người cá nhân.

Làm sao sống với nhau khi mọi ngôn ngữ đã nghèo nàn? Làm sao sống với chính mình khi lệ thuộc vào cái nhìn của kẻ khác? Có lẽ chỉ còn lại những niềm vui vụn vặt và những giấc mơ, để quên đi những tàn tật của mình của người.

Chắc cậu lại nghĩ thằng Vinh là nghệ sĩ, nghề kiếm sống phải vớ vẩn, mù mờ. Thế là cậu lầm. Anh chàng có công ăn việc làm đàng hoàng. Nhân viên Công Ty Ðiện Lực của Chính Phủ Pháp. Mỗi ngày nó xách cặp đến sở, xách cặp về nhà không sai quá năm phút đồng hồ. Ðồng lương ít nhúc nhích thật, nhưng chỗ làm dính chặt vào người cho tới ngày về hưu. Con Diễm mà lấy nó thì hưởng được cái căn hộ nó mua và cái tiền nó tiết kiệm hàng tháng. Ðiện trong nhà dùng thả cửa như là của chùa, trả bù cho những năm Diễm nó phải sống với đèn cày. Thằng Vinh có đến 7 tuần nghỉ mỗi năm, công việc lại tà tà. Nó có muốn ngồi viết cả mấy tạ sách cũng không hết thời giờ rảnh rỗi.

Ấy thế mà chàng công chức có chịu ngồi hưởng cảnh nhàn đâu! Cứ ra khỏi sở làm là Vinh nó lại bước vào một thế giới khác. Thế giới tưởng tượng của nó. Không hiểu ở trong đó có gì mà nhiều khi chàng ta quên hẳn mọi người, không ăn không ngủ trong mấy ngày liền. Chưa hết, cậu ạ. Chính mắt tôi đã thấy những lúc tưởng tượng của nó tràn ra ngoài đời sống thật. Một cảnh truyện có thể diễn ra trên đường phố nó đang đi, trong phòng nó đang ngồi. Một nhân vật truyện có thể hiện ra bên cạnh nó, cười nói trước mặt nó. Lạ lắm cậu ơi, làm như những nhân vật này nằm chình ình trong cuộc sống hàng ngày của thằng cha này vậy. Thằng Vinh vui buồn vì chúng, ghét yêu chúng như những đàn bà, những đứa bạn, những người quen thật của nó. Có lần nó còn nói với con Diễm, "Người viết truyện không bao giờ cô đơn, vì lúc nào cũng có những nhân vật của mình quây quần chung quanh". Có là thánh cũng không hiểu nổi, cậu ạ.

Thằng văn sĩ không chỉ ngồi với cái máy tính của hắn. Hắn còn có tài kể lại những chuyện tưởng tượng cho người khác nghe. Chỉ có một điều, ai đã chịu lắng tai theo dõi thì phải chờ đợi sự thật có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Ngày hôm nay hắn kể cho cậu rành rành một cảnh với đầy đủ chi tiết. Ngày mai cũng cảnh đó, nhiều khi hắn nổi hứng xóa sạch, kể lại khác hẳn, không ai biết đâu mà mò. Ðã vậy, thằng cha nội lại có lúc đứng ra ngoài bàn bạc vào, làm như chuyện kể là của người khác không bằng. Khen nhân vật này, chê nhân vật kia, cứ như chúng là một lũ từ trên trời rớt xuống. Cô Diễm ngồi thích thú nghe cả giờ. Lúc đầu, thỉnh thoảng cô ta đặt câu hỏi, làm thằng kia suy nghĩ thêm, khai triển dần nội dung truyện. Rồi sau cô ta đóng góp ý kiến, sửa đổi những chi tiết, khúc đoạn. Cô nàng càng ngày càng tham gia tích cực. Nặn óc ra giúp người yêu xây dựng những câu truyện. Diễm nó có khi tự đặt mình vào một nhân vật. Khi ấy thằng Vinh lại lấy một nhân vật khác để đối đáp, ứng xử với nó. Cậu không tin tôi cũng chịu, nhưng thật sự có những lúc hai đứa bước luôn vào trong tiểu thuyết thằng Vinh đang viết. Ðố ai biết được đây là một trò chơi hay một cơn điên.

Con Diễm và thằng Vinh sống với nhau được 2 năm trời. Cuộc tình của chúng nó biến chuyển kỳ lạ lắm, cậu à. Lúc đầu, con Diễm là nguồn cảm hứng khiến thằng nhà văn sáng tác không ngừng. Hắn xanh xao vàng vọt hẳn đi vì thức khuya viết lách quá nhiều. Nhưng hắn yêu đời như một người mới tìm được lẽ sống. Rồi những truyện của hắn ngày càng thấm ảnh hưởng của con Diễm. Bớt đen tối, bớt bạo động, thêm huyền ảo, có cả một chút thơ mộng. Nhưng chính lúc tôi bắt đầu đọc được những gì hắn viết là lúc tôi cảm thấy có bất ổn giữa tác giả và tác phẩm. Tiểu thuyết của thằng Vinh xa lạ dần với con người của nó. Trong nội dung và những nhân vật, không còn phân biệt được những gì của nó và những gì chép nhặt ở người khác. Sau đó, những câu văn dần dần nhạt nhẽo, thiếu hồn, vô chủ. Những sáng tác càng ngày càng ngắn, nhỏ giọt, để cuối cùng ngừng hẳn. Nhìn thằng Vinh tôi chỉ thương, hình dung những đêm nó khắc khoải, ngồi bất lực trước tờ giấy trắng. Thằng đàn ông trước đây tự vẽ lấy cái thực tế của mình, bây giờ như một ngòi bút cạn mực.

Khi ngừng viết lách, thằng Vinh chỉ còn cuộc sống buồn tẻ hàng ngày của hắn. Hắn đâm ra bất mãn mọi chuyện, đổi tính, hay gắt gỏng khó chịu. Những lúc không bỏ nhà ra đi, hắn thu mình vào im lặng hay tìm mọi cớ để gây chuyện với con Diễm. Diễm nó chỉ kiên nhẫn chịu đựng đến một mức nào thôi. Chuyện hai đứa chấm dứt khi thằng Vinh đi đến thái độ khiêu khích, sống như một gã đàn ông thở mùi vật chất.

Ðấy cậu coi, cái Diễm không lừa lọc ai nhưng cứ làm khổ những người nó thương. Vậy mà vẫn có những đứa đàn ông tưởng gặp ở nó những gì mình tìm kiếm. Sau thằng Vinh có cậu thanh niên muốn ra tay cứu vớt người phụ nữ bất hạnh. Rồi lại tới thằng Tây định thoát ly con đường đã vạch sẵn cho cuộc đời hắn. Có gã đàn ông tuổi ngũ tuần cuống quít tìm người để trao cái khối tình cảm hắn đã cất kỹ gần trọn một đời. Có cả chàng giám đốc công ty ở Sàigòn cần chinh phục một cô Việt kiều dáng vẻ sang trọng. Mỗi lần, con Diễm tưởng mình đến gần hạnh phúc để rồi lại nhận thêm cô đơn.

Nói thật với cậu, già đầu như tôi mà vẫn chưa biết phải nghĩ gì về cái con Diễm này. Thôi thì, dù con nhỏ có thiếu đạo đức, ích kỷ hay dại dột, tôi vẫn cầu Trời khấn Phật cho nó có ngày chấp nhận cái thân phận của mình, và cái thực tế của mọi người. Ở trần gian này có gì là hoàn hảo ? Một kiếp người làm sao đủ cho tất cả những hoài vọng ước mơ ? Ðến một lúc nào đó, tình yêu phải nhường chỗ cho tình nghĩa. Cái tầm thường phải nhìn là cái bình thường. Tự do phải đổi lấy ổn định. Nếu không, thử hỏi cậu, làm sao sống được cuộc đời này, cùng với người khác?

*

Ở ngoài, trời rồi cũng phải tối. Không biết những suy nghĩ của bà cụ già đi về đâu. Gã thanh niên chỉ mong sớm gặp lại người yêu, một cô gái giản dị làm việc ở tiệm uốn tóc gần đó

© Vũ Hồi Nguyên, 1995