Bên Ngoài
Ở mỗi người có một im lặng
José Saramago, A Caverna

San và tôi có một buổi tối ngồi ăn mì trên vỉa hè một con đường nhỏ ở Hà Nội.

Mưa tầm tã, tấm bạt nhô ra đường trũng nước nhưng đủ che mấy bộ bàn ghế thấp lè tè, một hai bóng đèn trần lơ lửng đây đó vẽ vài nét sáng nhem nhuốc, cảnh đường chẳng có gì ngoài những đốm đèn xe máy để lộ những mảng mưa, quán ăn chưa có ai, có lẽ vì mới đầu tối.

So sánh sao được với cảnh trong phim In The Mood For Love (1), chuyện hai nhân vật lang thang trong đêm, gặp nhau ở chỗ là nạn nhân của cùng một cuộc ngoại tình, cảnh phim sạch sẽ hơn, Tony Leung và Maggie Cheung ngồi trong một tiệm ăn đàng hoàng, và họ ăn cơm Tây trong tiếng nhạc buồn của Nat King Cole, nhưng biết đâu San và tôi cũng có thể làm nhân vật một cuốn phim lãng mạn, lãng mạn hiểu theo nghĩa không còn hợp thời.

San nhìn tôi một lúc rồi cười. Anh từ Paris về, phải một khung cảnh nhếch nhác như thế này mới thú vị anh nhỉ. San lầm mất rồi, đừng tưởng anh về đây tìm cái nghèo cái cực, nếu tô mì chút nữa không ngon, mình sẽ đi đến một tiệm ăn đắt tiền, hợp cho ngoại quốc Việt kiều, có các cô gái tiếp tân thật đẹp, thướt tha trong những chiếc áo dài thời trang.

Nói vậy để trả lời San, chứ hôm ấy và ở đó tôi không muốn gì hơn sự hiện diện của nàng, tôi chấp nhận cả những gì còn thiếu về San, hai người gặp nhau kỳ nào cũng vậy, có bao giờ cần mưa cần nắng, một chỗ văn minh hay một nơi ấm cúng, chuyện San và tôi đủ bất bình thường, vô lý, để không cần một cảnh trí nào thêm cho lạ.

Mỗi lần, tôi đo khoảng cách với lần trước ở những bận tâm của San.

Hôm đó có cái căn hộ gần đủ tiền vay, không lớn lắm nhưng có phòng riêng cho thằng con trai. Em sẽ trang hoàng nó thật đẹp, chưa gì đã tưởng tượng đủ thứ về sau, nhất định cái nhà này sẽ cho em một cuộc sống mới, ít nhất cũng là một sức sống mới anh ạ. Nghe to tát, tham vọng mọi người thời nay như những tòa nhà cao tầng đòi chọc ông trời đang mọc lên ở thành phố này.

Có cái vụ cô em ruột đòi ly dị chồng chạy theo một anh chàng Mỹ. Anh không thể tưởng tượng, thằng Mỹ này quen chưa đầy một năm, thấy hắn sắp hết hợp đồng ở đây, con nhỏ cuống quít, quyết định bỏ chồng con và tất cả, chờ ngày hắn đưa qua Mỹ sống. Thế mới biết mấy ông nông dân người Tàu không độc quyền ma lực.

Rồi đến vấn đề thằng con trai bây giờ muốn ngừng học. Chán ơi là chán anh à, có hôm nó hét ầm lên rằng giáo dục ngày nay nát tươm rồi, nội dung các môn học sửa đổi bừa bãi, cho có lý do mỗi năm in sách giáo khoa mới, các thầy cô thì chỉ lo cách này cách khác moi tiền phụ huynh học sinh. Thôi thì San hãy gắng chịu đựng thêm mấy năm, rồi thu xếp cho nó đi nước ngoài vậy. Em bắt buộc phải tính thế, chứ hỏi anh xã hội bây giờ loạn quá, chẳng hiểu những giá trị nằm đâu, thật đáng sợ cho bọn trẻ.

Đừng tiếp nữa San, mình ăn đi, tô mì có vẻ hấp dẫn đấy, ở Pháp làm sao anh có được một tô mì như vậy.

Tiếng mưa đều đặn trên bạt che nhắc nhở một nhịp thở êm dịu hơn.

Những dịp có San quý lắm, tôi không muốn nghe những điều phức tâm cho nàng cho tôi, đã không có chỗ cho một ước mơ chung hai người thì đừng để những thất vọng ở mỗi người hòa vào nhau, tối hôm đó tôi thấy San quá mong manh trong một thành phố nóng vội, một xã hội dễ say, nàng hãy lo cho các tình cảm của mình trước những đổi thay tàn nhẫn tràn tới từ mọi phía.

Ăn xong, San lập lại câu hỏi của mỗi lần. Còn anh, còn những mối tình mau khô cạn của anh. Biết kể gì đây, cuộc sống của anh ngày càng ít chuyện xảy ra, điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Em có cảm tưởng đàn ông chịu đựng cô đơn giỏi hơn đàn bà thì phải. Nói vậy mà nghe được, San có những ý nghĩ chẳng dựa vào đâu, thật ra sống độc thân ở Paris dễ hơn ở đây nhiều, kẻ độc thân bên ấy đông lắm, thành cả một lối sống mới, một lối sống rất thích hợp với xã hội hiện đại. Nói chuyện với anh chán ngấy.

Thế mà hôm đó cơn mưa cứ việc lấy hết đêm, người đàn bà ấy và tôi vẫn chờ được, còn sẵn sàng theo mưa về sáng. Đâu như những chờ đợi chỉ chực ngừng lại, chực bỏ cuộc, nhưng San ơi, chúng mình phải luôn luôn có gì để chờ, chờ một phép lạ cũng chẳng sao, chờ thêm thất vọng cũng chịu, làm gì đi nữa đừng mất những chờ đợi, còn phải giữ chúng cho tới tận hơi thở cuối cùng của mình đấy San.

San và tôi có những buổi chiều không rời căn phòng khách sạn nhìn ra Hồ Tây.

Căn phòng đầy đủ tiện nghi điện tử nhưng chọn một trang trí thôn quê nhã nhặn, bàn ghế bằng gỗ lim, tường có những chỗ lát tre, một chậu cây kiểng cho lạ mắt, một chiếc quạt tai voi chỉ để đi cùng với mấy tấm ảnh làm vẻ úa xưa, màn cửa dùng một loại lụa màu dịu, đặc biệt chỗ ngồi ăn là một cái phản lớn trải chiếu hoa, rõ ràng có sự chăm sóc từng chi tiết, nhưng dù sao vẫn chỉ là một căn phòng khách sạn tạm bợ, của bất cứ ai, cho một thời gian ngắn, một nơi sẽ không giữ lại các dấu tích riêng tư.

Việc đầu tiên khi San đến là lấy các bó hoa của mình thay thế tất cả hoa có sẵn trong phòng, bày hết ra phản những gói đồ mang lại, như muốn xua đi không khí người khác xếp đặt, rồi mọi thứ phải bình thường, thật bình thường, San kể chuyện đi chợ, giới thiệu mấy CD nhạc đem tới, bỏ thì giờ dọn dẹp cái bừa của tôi, lấy dao dĩa ra cắt trái cây, vân vân, dù biết rõ tôi chẳng đầu óc nào để theo dõi những lời nói và bận rộn của nàng, và biết chính mình cũng không gắng gượng được lâu.

Câu chuyện này không thể giấu gặp gỡ của thể xác, có nhau phải trọn vẹn, chẳng ai chối nổi dao động trong cơ thể, với tôi San còn là một thân thể đàn bà, một làn da ấm mềm trao tặng các ngón tay, những vùng cảm xúc làm lạc đường kẻ đến thăm, và một nhịp thở rồi sẽ dồn dập, có thêm cái ngây ngất của sự đồng lõa, hai thân thể kêu gọi nhau khẩn khoản như đói khát nhau từ lâu, mọi cấm đoán lúc ấy chỉ chờ được vượt qua, ai khiến tình yêu này đã phải chấp nhận cái thiếu thốn của những mảnh thời gian rời rạc.

Những buổi chiều đó đã cho tôi khám phá dần một người đàn bà chưa được hạnh phúc.

Đời San cho tới bây giờ là một chuỗi dài các chịu đựng, các chịu đựng mà người ta gọi là hy sinh cho chúng được cao thượng, đi suốt từ tuổi thơ trong chiến tranh, những lúc khổ cực về vật chất, qua thời kỳ ổn định bình yên, chịu đựng mọi chuyện, thời cuộc, xã hội, môi trường sống và những gì đã làm nên cá nhân mình, chịu đựng các giá trị của thiên hạ, hình ảnh về mình do người khác áp đặt, chịu đựng không bao giờ phản đối, mọi ý muốn ngừng chịu đựng là một tội lỗi phải tự lo xóa cho sạch, và đằng sau tất cả những chịu đựng ấy là một nỗi sợ âm ỉ, nỗi sợ không giống được mọi người.

Có lần San nói, bây giờ em không muốn như mẹ em, ngày mẹ mất, em nghĩ mãi về cuộc đời của bà, tại sao cuộc đời đó không được hạnh phúc, cho dù không có nỗi khổ nào ghê gớm xảy ra trực tiếp cho cá nhân mẹ, một thảm họa thì em phải biết chứ, chiến tranh không gây chết chóc ở gần bà, bệnh tật cũng không, vật chất chỉ thiếu khi mọi người đều thiếu, mẹ đâu có tình thương nào bị phản bội hay gặp thất vọng, vậy tại sao em thấy mẹ đón nhận cái chết của mình như kẻ được giải phóng, tại sao hả anh, em nghĩ có lẽ suốt đời mẹ chỉ biết sống cho người khác, chọn ý nghĩa đời mình ở chỗ hy sinh nó, từ chối hiện hữu cho bản thân, làm sao hạnh phúc được khi cứ thu hết vào lòng tất cả bất hạnh của những kẻ thương quý, khi cá nhân nặng chĩu cái khổ của người khác, như thể đó là đạo đức để sống cho hết cái thân phận đã được quy định cho mình.

Có gì như đã trễ, người đàn bà ấy đã tiếp tục cho đến ngày hôm nay cuộc đời của mẹ nàng, và San có thêm cái khổ của một ý thức không biết còn đủ sức giải thoát nàng hay không.

San và tôi có một buổi tối tản bộ trong những con hẻm cổ xưa nằm gần sông Seine ở Paris.

Lần đầu tiên San ra khỏi Việt Nam, vậy mà cả một ngày mỏi chân trong các cửa hàng lớn chẳng chịu mua xắm gì, đi theo anh thôi, đồ đắt khiếp người đụng vào mà hóa dại, đừng tặng em gì thêm, vé máy bay anh mua đã hớ quá rồi, hai bữa ăn thì nhất định phải về phố Tàu chứ món Tây ai mà nuốt nổi, may là cuối cùng có tiệm kem nổi tiếng và câu chuyện tôi bịa thêm một phần, San phải biết ông tổng thống Mitterrand (2) hồi đó chỉ đặt mua kem ở đây, có thế cô San mới hí hửng đứng xếp hàng ngoài đường, và do dự giữa hai hay ba hương vị cho phần kem gói bánh sẽ cầm đi.

Những con hẻm nhỏ đến độ xe không thể nào vào, chúng từ giã những góc phố nhộn nhịp, dẫn San và tôi vào một không gian chỉ còn ánh sáng của mấy ngọn đèn đường lưa thưa và vài quán ăn nhỏ, một chốn vắng lặng, tiếng chân nghe rõ trên lớp đá mòn làm nghĩ tới những cỗ xe ngựa đã đi qua đây thời xưa, ngõ ngách cứ thu hẹp dần, như muốn xích lại thật gần những kẻ vẫn chưa đến được chỗ ngừng nghỉ.

Ở đó, thời gian khỏa thân khiến mọi thứ trở thành quá thật, thật như hơi ấm gửi bàn tay, thật như đôi môi cứ giữ lại bước chân, thật như lời nói thoát ly ngôn ngữ, cho dù người đàn bà đang sát cạnh tôi không thuộc về cái thế giới ở đây, nàng đến từ rất xa, và mọi khi nàng chỉ có thật trong những giấc mơ và một nỗi nhớ dai dẳng.

Em không hiểu, bên này quá đầy đủ, Paris biết bao nhiêu người muốn đến sống, và anh thì chẳng thua kém gì ai, chắc chắn vẫn có đàn bà thấy anh không đến nỗi tệ lắm, tạm coi là tốt tính, thế mà anh không chịu hạnh phúc, cứ đi tìm cái gì đâu đâu. Ừ nhỉ, San chí lý, đúng là kẻ dị ngợm, đứng núi này trông núi nọ, lắm mối tối nằm không, chán mớ đời. Đấy, lại cái đùa để từ chối trả lời, khi nào cần có ai gỡ rối tơ lòng thì anh nhớ gọi em nhé.

Tôi muốn nói San kiên nhẫn, rồi có ngày tôi sẽ thiết tha hơn với cuộc sống ở chung quanh, khi đến kết luận không có gì đáng làm mình giữ mãi một ước vọng không thành, khi thực sự chấp nhận được cái không hoàn hảo của những con người cá nhân, khi biết lấp đầy khoảng trống của các niềm tin vắng mặt, khi đó, tôi sẽ tặng San những ngày vui đẹp hơn hôm nay.

Đối với những con hẻm về khuya, San và tôi là một cặp tình nhân như bất cứ cặp tình nhân nào trên đời, hoàn toàn không có gì khác, hai người có ai còn lo tránh đám đông và những cái nhìn phê phán, có ai còn muốn lẩn trốn như kẻ tội phạm, không, một sự thật không thể chối cãi đã loang rộng từ lúc nào trên khắp các tình cảm, vào tận sâu thể xác, từ đó cái không thể vượt qua bắt buộc phải chung sống với điều hiển nhiên giữa người đàn bà ấy và tôi.

Này San, bây giờ San đã nhìn thấy nơi anh sống, nó rất xa Việt Nam phải không, và xa một trời một vực quá khứ và hiện tại của San, chúng mình phải tưởng tượng về nhau nhiều lắm mới đủ, từ những ưu tư của mỗi lúc đến những thói quen nhỏ nhặt hàng ngày. Chắc em không làm nổi chuyện đó đâu anh, không lẽ, để hiểu con người anh hơn nữa, phải hình dung được cả các tình cảm của anh với những người đàn bà khác.

Mà anh biết không, em đã bằng lòng với những phần em có về anh, còn thấy đó là cả một sự may mắn, có lẽ vì những phần ấy cho thấy hình bóng của chính nội tâm mình.

Hôm ấy San đã hiểu tình yêu này không sợ xa cách và những đổi thay ở mỗi người. Tình yêu này cũng chẳng có thể sai lầm vì đâu là một chọn lựa.

Nếu có một thượng đế nào đó, tôi sẽ cám ơn về cuộc gặp gỡ từ đó cô đơn của mình không còn bao giờ lẻ loi. Đồng thời tôi sẽ trách về con đường đã dẫn đến một cấm đoán có sẵn, càng giữ tôi ở lại bên ngoài thế giới của mọi người.

(1) Phim của Wong Kar-Wai, năm 2000
(2) François Mitterrand, tổng thống Pháp từ 1981 đến 1995
© Vũ Hồi Nguyên, 2005